Người làm “xôn xao” cánh đồng ngao

00:00 12/10/2020

Tôi là người lớn lên từ vùng quê miền biển, cái cảm giác bâng khuâng thơ thới mỗi khi về với biển như nhắc nhở tôi phải viết gì cho mảnh đất Tiền Châu rất đỗi yêu thương và tự hào này.

Những lần về quê, về với vùng biển Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tôi thường nghe tên một Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Đình Thường - người rất thành công trong nghề nuôi ngao. Qua sự giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, tôi tìm đến gặp anh. Tiếp đón tôi là một người có dáng vẻ thư sinh và nụ cười đôn hậu.

Nguyễn Đình Thường dẫn tôi ra biển. Đứng trước cánh đồng ngao bạt ngàn, anh bảo: “Biển bạc là đây! Nghề nuôi ngao rất vất vả, chưa kể những bất thường do thời tiết, nếu thuận buồm xuôi gió ngao lớn thì lại phải lo nhân lực, đi tìm cả xã trong xã ngoài mới được ít người, nhưngcũng không đáp ứng tốc độ của mùa thu hoạch. Vì mỗi lần chúng tôi xuất hàng trăm tấn. Trong khi đó, việc thu ngao phụ thuộc vào con nước, giá mà có được sự cộng tác của cơ giới thì tốt hơn nhiều. Vì vậy, tôi và cháu Trần Ngọc Phương đang dựng thí điểm cỗ máy thu hoạch ngao, nếu thành công thì chúng người nuôi ngao sẽ nhàn đi rất nhiều...

Một thời gian sau, tôi nhận được điện thoại mời về tham gia thử nghiệm cỗ máy thu gom ngao mà hai chú cháu anh Thường đã mày mò tự chế. Tiếng máy nổ giòn giã hòa vào tiếng sóng biển như tiếng reo mừng báo hiệu sự thành công của máy thu gom ngao. Chỉ sau 30 phút vận hành tại một bãi tự nhiên không người nuôi trồng, máy đã thu được hơn một tạ ngao.


Máy thu hoạch ngao hai động cơ, công suất tương đương 50-60 nhân công lao động với 5 tấn ngao/giờ, sản phẩm của "kỹ sư làng" vùng biển xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình

Máy thu hoạch ngao sử dụng hai động cơ, một động cơ 100 phân khối của xe máy Honda, một máy cole bơm nước. Cỗ máy cần hai người vận hành và bốn người chuyển ngao đến nơi tập kết sau thu hoạch. Công suất mỗi giờ thu được 5 tấn ngao. Nhiên liệu tiêu hao rất ít, khoảng 2 lít xăng và 1,5 lít dầu diezen /giờ, nhưng sản lượng bình quân hơn cả sức lao động của 50-60 người khỏe mạnh. Cỗ máy cũng có thể di chuyển nhẹ nhàng trên bãi, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí.

“Kỹ sư làng” Trần Ngọc Phương tại
Cơ sở cơ khí Trần Phương - Đông Hoàng,
Tiền Hải, Thái Bình

Cơ sở gia công cơ khí Trần Phương - Đông Hoàng là nơi “kỹ sư làng” Trần Ngọc Phương và Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường đã mày mò nghiên cứu và lắp đặt thành công cỗ máy thu hoạch ngao. Phương cũng lớn lên chính từ làng quê miền biển này, mẹ cấy lúa, cha là Cựu chiến binh. Từ nhỏ em  đã ham mê máy móc, thiết bị cơ khí và có thể lắp ráp nhiều đồ chơi, vật dụng từ những mẩu thép, ốc vít, đoạn dây thép... khiến cho bạn bè đồng trang lứa rất thích thú. Năm 2001, học xong PTCS trường làng, Phương quyết tâm vào phương Nam, tìm đến một xưởng cơ khí nông nghiệp xin học nghề… Ra nghề, em về địa phương thành lập một tổ cơ khí chuyên sửa chữa các nông cụ, thiết bị sản xuất nông nghiệp, máy móc phục vụ cho nghề đi biển của nhân dân trong và ngoài xã. Khởi nghiệp với phương châm: “Tốt, bền, giá thành hợp lý” và luôn tâm niệm: “Nếu hôm nay mình lười biếng trong công việc thì ngày mai sẽ phải tích cực đi tìm việc khác” cùng ý thức luôn tìm tòi, phát huy hết khả năng trong công việc, Trần Ngọc Phương đã gây dựng được uy tín và thương hiệu cho cơ sở cơ khí Trần Phương - Đông Hoàng.

“Để làm được cỗ máy thu gom ngao, ngoài sự giúp đỡ, chỉ bảo của bố và ông Thường, tôi phải học tập, tìm hiểu rất nhiều chủng loại máy móc, nghiên cứu lắp ráp rất nhiều lần, cho đến khi máy chạy ổn định, phản hồi của những lao động thật sự tốt, thì mới tạm yên lòng. Hiện tôi đang ấp ủ ý tưởng nghiên cứu sản xuất máy bơm thuốc trừ sâu cho diện tích rộng với chi phí thấp nhất để phục vụ nông nghiệp xã nhà”, Trần Ngọc Phương tâm sự.

Chia tay Trần Ngọc Phương, tôi vui lắm. Bởi ở miền quê đồng ruộng biển bãi thanh bình này đã sản sinh ra một “kỹ sư làng”dù chỉ học hết lớp 9 nhưng lại chế tạo được máy móc ứng dụng trong nông nghiệp, giúp cho nông dân tiết kiệm sức người, nâng cao năng suất, sản lượng, mang lại lợi nhuận cho người nông dân, góp phần làm giàu cho quê hương.

Cánh đồng ngao giờ đang vào vụ thu hoạch, rộn rã xôn xao trong tiếng máy, tiếng xe thu gom hàng. Nụ cười rạng rỡ của những người bám biển cũng trở nên vui tươi hơn cùng mong muốn những mùa vụ thắng lợi.

Thành Công