Nghệ An: Hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh

20:06 05/10/2021

Sáng nay (05/10), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giao ban với Hiệp hội doanh nghiệp, các Hội doanh nghiệp, doanh nhân tháng 9/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Qua báo cáo của Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An tại Hội nghị cho thấy: Trong Quý III/2021, Sở đã tiếp nhận được 15 nội dung kiến nghị, trong đó có 11 nội dung kiến nghị liên quan đến dịch Covid-19 như việc phong toả, khoanh vùng khi có dịch bệnh, việc ban hành văn bản hướng dẫn và quy định trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; việc lưu thông hàng hoá, tổ chức chợ dân sinh; tiêm phòng Covid-19 cho các tiểu thương, người lao động; thống nhất giá Test Covid-19 và sản phẩm Test cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ người lao động của các doanh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP… Một số kiến nghị khác liên quan đến vấn đề: Giảm tiền thuê đất, tiền điện, tiền nước; miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi; cho phép chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành liên quan cơ bản đã giải đáp phần lớn những kiến nghị nêu trên của các doanh nghiệp, cụ thể: 

  Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị giao ban với Hiệp hội Doanh nghiệp, các Hội doanh nghiệp, doanh nhân tháng 9/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đối với các kiến nghị: Giảm 100% thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021; giảm 50% thuế VAT và 100% thuế TNDN năm 2020, theo đại diện Cục Thuế Nghệ An, việc giảm thuế trong năm 2020 thì Luật thuế TNDN hiện hành chưa có quy định giảm thuế TNDN đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, để hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn, ngày 25/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP về việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Việc giảm thuế trong năm 2021: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ chưa đề cập đến các chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp và người dân. Tại phiên họp ngày 16/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Khi các chính sách này chính thức có hiệu lực, cơ quan Thuế sẽ triển khai đầy đủ để người nộp thuế được hỗ trợ kịp thời... 

  Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Nguyễn Hữu Mão báo cáo về các kiến nghị của doanh nghiệp mà Sở đã nhận được trong Quý III/2021 vừa qua tại Hội nghị.

Về nội dung kiến nghị: Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, vì quy định điều kiện “không có nợ xấu”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An đề nghị doanh nghiệp làm rõ nợ xấu xuất hiện do nguyên nhân gì? Thời điểm phát sinh nợ xấu? Bởi, nếu khoản vay có nợ xấu phát sinh không phải do nguyên nhân gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì không phải là đối tượng được vay vốn theo chính sách quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP. Nếu khoản vay có nợ xấu phát sinh do nguyên nhân gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (đợt cũ năm 2020) đã được xem xét hỗ trợ theo các chính sách quy định tại: Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đang có hiệu lực); Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 (chính sách vay vốn tại Nghị quyết, Quyết định này đã kết thúc). 

  Ông Hà Lê Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An trả lời ý kiến về việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp tại Hội nghị.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị: Tỉnh cần có chính sách ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19; cho phép doanh nghiệp chủ động tự thuê cơ sở y tế Test Covid-19 định kỳ cho cán bộ, công nhân, người lao động; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh…

Về nội dung này, đại diện Sở Y tế Nghệ An đã trả lời cụ thể. Riêng đối với kiến nghị liên quan đến việc thống nhất giá Test SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Y tế Nghệ An cho biết: Căn cứ Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời và phương án giá tạm thời tối đa đối với xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Test nhanh kháng nguyên. Theo đó, giá xét nghiệm 1 mẫu Test nhanh kháng nguyên được quy định bằng giá mua Test + 45.000 đồng và tối đa không được vượt quá 238.000 đồng/mẫu. Tuy nhiên, do đơn vị sử dụng nhiều loại Test khác nhau nên giá Test nhanh khác nhau. Về vấn đề này, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế phải công khai giá mua Test và giá thu xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên để người dân, doanh nghiệp  được biết.

Đối với kiến nghị cho phép doanh nghiệp chủ động tự thuê cơ sở y tế Test Covid-19 định kỳ cho cán bộ, công nhân, người lao động, đại diện Sở Y tế Nghệ An cho hay: Mới đây, Bộ Y tế đã có Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó quy định rõ về việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 thì phải được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc Trung tâm Y tế cấp huyện hướng dẫn. Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng Test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm. 

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phát biểu kết lận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Đồng thời, bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, tổn thất nặng nề của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Thời gian qua, tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương đã tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng như tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đến thời điểm này, hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế đã dần được khôi phục, 80-90% lao động đã được quay lại làm việc nhưng công suất mới chỉ đạt được 70-75%. Tỉnh đang cố gắng tập trung bảo vệ thành quả chống dịch, bảo vệ vùng xanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do đó, đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Với các kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã trả lời cụ thể từng nội dung. Đồng thời, giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan phải giải quyết cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Văn Cương – Hoàng Lan