Ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn dù xuất khẩu tích cực

15:37 10/03/2021

“Dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thế giới, trong khi các thị trường chưa ổn định thì cả ngành khó tăng trưởng tốt được” ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM chia sẻ.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG mới đây đã công bố doanh thu tháng 2/2021 đạt 266 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, doanh thu tháng 1/2021 của công ty cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng tới 24% so với tháng 1/2020, đạt 321 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng, TNG đã vượt 14% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. TNG cho biết, hiện đang triển khai nhanh đơn hàng để kịp tiến độ đưa đi gia công thêm và thực hiện kế hoạch đàm phán chi tiết các đơn hàng sản xuất quý 3/2021.

Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 80% về doanh thu và 162% về lợi nhuận trong tháng 1/2021, lần lượt đạt 15,4 triệu USD và gần 1,1 triệu USD.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, Chủ tịch HĐQT Vitajean cũng cho hay, nhờ tình hình chính trị - xã hội ổn định, các khách hàng Hồng Kông, Myanmar, Đài Loan chuyển sang mua hàng tại Việt Nam khá nhiều. Nhờ đó, lượng đơn hàng của các DN trong Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM tăng trưởng 20-30% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại Vitajean, công ty đã ký hợp đồng đến hết tháng 6/2021.

Tuy nhiên, theo ông Việt, người tiêu dùng tại EU và Mỹ đều đang tiết giảm chi tiêu rất mạnh. Nên dù nhu cầu mua sắm hàng dệt may vẫn có, nhưng mức giá bị kéo giảm khá nhiều, buộc các DN phải tính toán lại các khâu sản xuất để giảm giá thành.

Trong năm 2021, nhiều Hiệp định Thương mại tự do được đánh giá là sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, gồm CPTPP, EVFTA và RCEP. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ các Hiệp định này, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” trong CPTPP và “từ vải trở đi” trong EVFTA là một rào cản lớn. Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay khiến cho chỉ một số ít DN có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan. Riêng với RCEP, cơ hội có phần dễ dàng hơn khi có Trung Quốc tham gia làm thành viên. Theo đó, các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu đi các nước thành viên RCEP đều sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.

Thời gian tới, dự báo xu hướng liên kết thượng nguồn để đáp ứng quy tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Câu chuyện về việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA đã có kể từ khi các Hiệp định này còn đang trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, đa số các nhãn hàng vẫn chỉ định nguyên liệu từ Trung Quốc do nguồn vải đa dạng và giá rẻ. Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc gây gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đã tạo động lực buộc các DN phải tìm kiếm nguyên liệu trong nước và cũng có cơ sở để thuyết phục các nhãn hàng sử dụng nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu.

Do sự khác biệt hoàn toàn trong hoạt động sản xuất ở các khâu se sợi, dệt nhuộm và gia công nên việc mở rộng chuỗi giá trị lên thượng nguồn cần phải có vốn đầu tư lớn và nhiều rủi ro. Thay vào đó, các DN may sẽ chọn cách liên kết với các DN sản xuất sợi và vải để tạo chuỗi khép kín. Theo đó, các dự án liên minh sợi – dệt nhuộm – may sẽ được hình thành trong ngành dệt may Việt Nam. Trước đó, trong năm 2020, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã chia sẻ về chiến lược hợp tác với 2 đối tác để thành lập liên minh sợi – dệt – nhuộm – may làm chung ở một khu công nghiệp.

PV

Tags: