Ngành dệt may đối mặt nhiều dấu hiệu tiêu cực trong quý II/2023

17:08 17/05/2023

Thực tế nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may thế giới yếu đi tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, theo đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sợi.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới. Sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành này đã tăng mạnh, đóng góp đáng kể vào GDP của Việt Nam. Ngành dệt may Việt Nam đã thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã xây dựng các nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về lao động và chi phí sản xuất thấp.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung vật liệu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Sự biến đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, như thay đổi chính sách thương mại hoặc biến đổi khí hậu, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu và giá thành của ngành này.

Ngành dệt may đối mặt nhiều dấu hiệu tiêu cực trong quý II/2023
Ngành dệt may đối mặt nhiều dấu hiệu tiêu cực trong quý II/2023.

Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tháng 4/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,06 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 3,86 tỷ USD).

Lũy kế 4 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (trị giá tuyệt đối giảm gần 3 tỷ USD).

Về thị trường xuất khẩu dệt may tháng 4/2023, thống kê cho thấy, tất cả các thị trường xuất khẩu chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường Mỹ giảm 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD; thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 9,7% đạt 349 triệu USD; thị trường Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu USD và Nhật Bản giảm 3%.

Tính chung 4 tháng năm 2023, chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản tăng 6,6%, còn lại thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cùng với xuất khẩu yếu đi hoạt động sản xuất cũng có các tín hiệu khó khăn khi IIP trong 4 tháng đầu năm 2023 nhìn chung không ghi nhận tăng trưởng. Chỉ số sử dụng lao động cả hai mảng Dệt và May mặc đều đi xuống với tốc độ khá tương đồng giai đoạn quý 3/2021.

Hoạt động sản xuất ngành dệt may Trung Quốc tiếp tục tiêu cực từ đầu năm 2023 mặc dù các yếu tố bất lợi liên quan đến dịch COVID đã gần như chấm dứt. Khối lượng sản xuất ngành Dệt và Trang phục Trung Quốc lần lượt giảm 3,1% và 7,7% trong tháng 3/2023.

Nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may thế giới yếu đi tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất theo đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sợi. Đến cuối tháng 4, giá cotton đã giảm về mức quanh 80 USD/pounds (giảm 46% so với cùng kỳ), ngang với trung bình giai đoạn 2012 2019 cho thấy nhu cầu nguyên liệu đầu vào của ngành đang suy giảm.

Hầu hết các doanh nghiệp may mặc ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan trong quý 1/2023. Dữ liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, trong tổng số 20 doanh nghiệp dệt may trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ có 2 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương, trong khi có tới 13 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm và 5 doanh nghiệp thậm chí báo lỗ.

P.V (t/h)