Ngân hàng - Bảo hiểm: Những cú bắt tay nhập nhằng có thể đánh mất thị trường bảo hiểm

08:33 27/02/2023

Những cú bắt tay nhập nhằng giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm làm các ngân hàng đánh mất uy tín của mình, thậm chí có thể vi phạm pháp luật. Đặc biệt, nếu tình hình này tiếp tục xảy ra, rất dễ đánh mất thị trường bảo hiểm lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Bản tin thời sự VTV ngày 22/2 đã phát đi phóng sự về tình trạng nhập nhằng giữa các sản phẩm ngân hàng (NH) và các sản phẩm bảo hiểm (BH), làm khách hàng hết sức bức xúc, khi bị một NH ép khách hàng gửi tiết kiệm mua sản phẩm BH “Tâm an đầu tư”. Xem phóng sự này, bà L. Th. H. ở quận Bình Tân, TP HCM giật mình, kiểm tra lại “sổ tiết kiệm” của mình, mới tá hóa đó không phải là “sổ tiết kiệm”, mà là hợp đồng BH nhân thọ!

Cảnh báo tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay vốn
Cảnh báo tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay vốn.

Tư vấn kiểu… đánh lận

Trường hợp như bà L.Th. H. là không hiếm. Về mặt luật pháp, các NH phải minh bạch các loại sản phẩm của, chủ yếu qua tư vấn nhưng các nhân viên đã không làm như vậy mà cố tình nhập nhằng để tìm cách bán BH cho khách hàng. Không chỉ vậy, với khách hàng vay cũng bị ép mua BH dù khách hàng không cần sản phẩm này nhưng nếu muốn được giải ngân nhanh, khách hàng phải cắn răng chấp nhận.

Thực ra cách kinh doanh mập mờ, dẫn dụ  khách hàng của các NH theo kiểu trên đã xảy ra từ hơn 10 năm qua nhưng mới “nóng” lên qua một số khách hàng của NH TMCP Sài Gòn - SCB gửi đơn tố cơ quan chức năng, phản ánh khi họ gửi tiết kiệm tại SCB (NH này hiện đã bị kiểm soát đặc biệt), thì bị tư vấn viên chuyển sang mua gói BH "Tâm an đầu tư" của Công ty BH nhân thọ Manulife Việt Nam (Manulife).

Theo phản ánh khách hàng, trong quá trình tư vấn, nhân viên SCB tư vấn lập lờ, không nói rõ đây là hợp đồng BH mà nói là sản phẩm đầu tư do NH kết hợp với Manulife, cùng với gói BH là quà tặng kèm, lãi suất cao. Khách hàng còn tố cáo thậm chí bị các đại lý có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký các hợp đồng BH.

Đây là một trường hợp bị lừa đảo điển hình: Khách Ng. Th. Ng. (SN 1948), trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 19-6-2021, bà đến SCB chi nhánh Tây Cầu Giấy rút sổ tiết kiệm 185 triệu đồng. Tại đây bà Ng. được nhân viên NH SCB thuyết phục tiếp tục gửi tiết kiệm với lãi suất cao theo chương trình “Tâm an đầu tư” của NH, lãi suất 12%, chỉ cần gửi trong vòng 3 năm, sau đó sẽ được thanh toán cả gốc và lãi. Nhân viên này không hề nói với bà Ng. đây là hợp đồng BH, không nói đến nội dung hợp đồng BH như hàng năm phải đóng phí bao nhiêu tiền, không nói đến quyền lợi và trách nhiệm của người mua. Tin lời nhân viên NH, sau khi tất toán sổ tiết kiệm cũ, bà Ng. được yêu cầu ký vào tờ ủy nhiệm chi số tiền 185 triệu đồng chuyển sang Manulife mà không hề biết rằng mình vừa chuyển tiền mua gói BH của Manulife cho con trai mình, sau khi nhân viên NH hỏi thông tin về những đứa con bà. Vài ngày sau đó, nhân viên SCB trực tiếp gặp bà Ng. và bà vô tư ký vì tin tưởng nhân viên NH. Cuối năm 2022, bà Ng. nhận được một cuộc gọi từ Manulife yêu cầu bà nộp 85 triệu đồng, là số tiền phải đóng hàng năm cho công ty theo hợp đồng đã ký. Lúc này bà mới nhận ra gói tiết kiệm “Tâm an đầu tư” thực chất là một gói BH nhân thọ có thời hạn lên đến... 37 năm, phí BH định kỳ mỗi năm là 83.366.000 đồng, kèm theo các phí khác. Theo hợp đồng, mỗi năm, bà Ng. sẽ phải đóng hơn 80 triệu đồng cho Manulife, cho đến hết năm thứ 37. Thực chất, hợp đồng BH này thể hiện bên mua là bà Ng., người được bảo hiểm là con trai bà (SN 1972), trong khi con trai bà không hề biết gì, kể cả chữ ký cũng giả.

Cuối năm 2022, khi biết tin SCB vướng chuyện trái phiếu, bà Ng. đã nhiều lần gọi điện thoại cũng như trực tiếp đến SCB để tìm hỏi cách giải quyết, nhưng vô vọng; còn nhân viên tư vấn thì “biến mất”!

Bà Ng. cho biết, một số thông tin khác thể hiện trong hợp đồng BH, như ghi thu nhập của bà là 80 triệu đồng/tháng, trong khi lương giáo viên hưu trí của bà thực tế chỉ 5,5 triệu đồng/tháng.

Bà Ng. cho biết trước đó bà không nhận được bất cứ tư vấn nào của nhân viên SCB cũng như phía Manulife. Bà Ng. đã nhiều lần gọi điện, gặp trực tiếp cũng như gửi đơn kiến nghị đến SCB và Manulife, nhưng cả hai nơi này đều không có phương án giải quyết. 

Không chỉ bà Ng. bị lừa, không ít khách hàng cũng là nạn nhân của việc bị nhân viên tư NH vấn mập mờ, biến tiền gửi tiết kiệm để sống hàng ngày thành gói mua BH nhân thọ!

Nhiều khách hàng đã đến SCB, đến Manulife nhưng NH đổ qua Manulife, còn Manulife trả lời loanh quanh. Thất vọng tột cùng, buộc họ phải làm đơn tố giác, đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, để buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đã chuyển đơn tố giác của người dân liên quan đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) theo thẩm quyền.

Không chỉ SCB và Manulife, còn nhiều khách hàng khác cũng bị lừa tương tự. Một khách hàng có số tiền tiết kiệm lớn gửi tại Chi nhánh NH TMCP Quốc tế (VIB), ở Thanh Xuân, Hà Nội, “tự nhiên” bị biến thành khoản phí cho hợp đồng BH nhân thọ Prudential do nhân viên tư vấn mập mờ. May mắn với khách hàng này cuối cùng được giải quyết trả lại vì Prudential không chấp nhận do thông tin liên quan đến hợp đồng không được cung cấp đầy đủ và chính xác trước đó

Nhẫn tâm ép người vay ngân hàng phải mua bảo hiểm

Nhiều khách hàng còn phản ánh khi đi vay tiền NH, các nhân viên đưa điều kiện phải mua kèm BH. Tình trạng này xảy ra nhiều trong những tháng cuối năm 2022, khi nhân viên NH nại lý do các nhà băng "cạn room tín dụng", ép khách hàng mua gói BH tương đương 3-4% giá trị khoản vay. Như một khách hàng từng bức xúc với cơ quan chức năng, khi vay 2 tỷ đồng làm ăn nhưng vị nhân viên tư vấn NH ép mua gói BH kết hợp đầu tư 60 triệu đồng (khoản 3% số tiền vay được giải ngân). Cuối cùng khách hàng này cũng phải mua và sau đó bỏ khoản “đầu tư”này.

Một khách hàng đi vay dính trường hợp này, tâm sự rằng nếu không mua BH thì rất khó giải ngân. Họ cứ ngâm đi ngâm lại hồ sơ, đành chấp nhận mua mà không biết để làm gì. Bi kịch ở chỗ khách hàng khó khăn mới đi vay hoặc đáo hạn nhưng bị ép mua BH là quá tàn nhẫn, đẩy họ đến con đường bần cùng.

Một nhân viên NH thẳng thắn nhìn nhận từng đã dùng những chiêu như vậy. Nhân viên này nói không muốn làm vậy nhưng áp lực doanh số, áp lực chỉ tiêu của cấp quản lý, buộc phải làm trái với lương tâm của mình. Nhân viên này cũng cho biết, thường khách hàng bị ép mua như vậy, vài tháng sau họ chấp nhận bỏ hợp đồng BH.

Trong khi đó, trả lời thắc mắc của khách hàng, nhiều NH nói là "người tiêu dùng tự nguyện mua BH". Trong hợp đồng có thể là vậy nhưng thực chất thì khác, khách hàng bị ép nên phải mua và mua rồi cũng chẳng biết làm gì, dẫn đến nhiều khách hàng chấp nhận bỏ gói BH đã mua.

Doanh số bảo hiểm các ngân hàng cực khủng

Báo cáo tài chính năm 2022, nhiều NH cho thấy mảng kinh doanh BH cực lớn, đem về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho các NH. Điều đáng nói là đằng sau hàng ngàn tỉ đồng mà NH thu được từ thương vụ ký kết hợp tác độc quyền với công ty BH là những uất ức, thiệt thòi của khách hàng nhưng cũng là những "cơn ác mộng" của nhân viên NH, khi áp lực doanh thu buộc họ phải là trái với lương tâm nghề nghiệp.

Mỗi năm, BH đem về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho các NH và đi kèm, áp lực doanh số với các nhân viên cũng tăng.

Thực ra hình thức kinh doanh NH - BH đã có mặt ở nước ta hơn 10 năm trước, gần đây phát triển “nóng”. Đó là hình thức kinh doanh bancassurance (kết hợp của hai thuật ngữ NH (bank) và bảo hiểm (assurance), được xem là "mỏ vàng" cho các NH những năm gần đây. Hình thức liên kết này giúp các công ty BH khai thác lượng khách hàng lớn từ các NH mà không mất chi phí tiếp thị khách hàng; còn các NH gia tăng nguồn thu, tận dụng những khách hàng mua BH để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng BH nhân thọ. Dịch vụ này ban đầu các NH chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu khách hàng cho bên BH, không làm trực tiếp nhưng đến nay nhiều NH đã ký hợp tác độc quyền với các công ty BH trong thời gian dài. Theo đó nhiều NH thực hiện toàn bộ các hoạt động kinh doanh BH, kể cả bán BH, tư vấn…; phía BH chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát. Từ tháng 9-2015, Manulife Việt Nam trở thành đối tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua hệ thống mạng lưới của SCB, là trường hợp điển hình.

Hãng tin Bloomberg cũng từng đưa thông tin thỏa thuận độc quyền giữa một NH thương mại có vốn nhà nước rất lớn ở Việt Nam với Manulife lên đến hàng trăm triệu USD, tức hàng ngàn tỉ đồng.

Cuối năm 2017, thị trường chứng kiến sự hợp tác giữa Sacombank và Dai-ichi Life với cam kết BH độc quyền kéo dài tới 20 năm. Tiếp sau đó, những thương vụ khác như Techcombank - Manulife, Vietcombank - FWD, SHB - Dai-ichi Việt Nam, VPBank - AIA Việt Nam, ACB - Sun Life Việt Nam, MSB - Prudential,...

Năm 2022, báo cáo tài chính của nhiều NH lãi ngàn tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh BH rất cao, lợi nhuận từ mảng này với một số NH chỉ đứng sau hoạt động chính là cho vay.

Lấy NH TMCP Quân Đội (MB) làm ví dụ. Đây là NH dẫn đầu về lợi nhuận mảng BH dù chưa có thỏa thuận độc quyền phân phối BH. MB sở hữu hai công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là MIC (MB sở hữu 68,37%) và MB Ageas Life (61%), trong cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ. Báo cáo tài chính của MB cho thấy, MB có lãi trước thuế là 18.155 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021. Riêng doanh thu từ BH đạt 10.185 tỉ đồng, cao hơn gần 1.800 tỉ đồng so với số thu 8.386 tỉ đồng của năm 2021, chiếm hơn 70% thu nhập từ dịch vụ của MB, tăng hơn 20% so với năm trước và gần gấp đôi năm 2020.

Coi chừng mất thị trường bảo hiểm!

Bancassurance phát triển nóng đến độ đó, lợi nhuận cao ngất, trong khi các định chế có tính pháp lý để quản lý đi chậm, dẫn đến những biến tướng kỳ dị, mà cuối cùng khách hàng là người chịu thiệt thòi nhất. Điều quan trọng hơn, kinh doanh chụp giật BH như vậy là cho thị trường thiếu an toàn, thiếu bền vững, làm biến mất tính nhân đạo, tự nguyện của hoạt động này.

Tính đến hết 12-12-2022, tổng doanh thu phí BH trên cả nước ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu ở lĩnh vực BH phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, BH nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng; và còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên những vấn đề vừa xảy ra trong lĩnh vực này, hậu quả lớn nhất là khách hàng mất niềm tin ở các công ty BH; các NH đánh mất uy tín của mình, thậm chí có thể vi phạm pháp luật. Đặc biệt, nếu tình hình này tiếp tục xảy ra, có thể đánh mất thị trường BH lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài cính, hoạt động bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường BH nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường BH phi nhân thọ. Thống kê cho thấy, hiện có hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance. Tuy vậy, việc phát triển nóng phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ BH qua kênh NH, như nhân viên NH ép khách hàng mua BH khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm BH và sản phẩm NH, hoặc việc yêu cầu mua BH gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh BH.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua NH đối với 4 doanh nghiệp BH và sẽ công bố kết luận thanh tra. Trong năm 2023 sẽ tiếp tục thanh kiểm tra tại cả doanh nghiệp BH và các NH.

Ngày 21-2, Bộ Tài chính cũng đã có thông tin về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường BH, trong đó lưu ý hoạt động phân phối sản phẩm BH qua kênh bancassurance còn nhiều bất cập, thậm chí vi phạm pháp luật. Theo đó Bộ Tài chính đang hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật kinh doanh BH, đặc biệt quản lý các đại lý; tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra; tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp BH, môi giới BH.

Trước đó, ngày 15-2-2023, NH Nhà nước đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến BH, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NH Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý BH. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến BH trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua BH dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực BH. NH Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua BH và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.

Với khách hàng, cần lưu ý đọc kỹ các hợp đồng BH, đặc biệt cần phân biệt tiền gửi tiết kiện và BH đầu tư…, để tránh các trường hợp gửi tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm. Một khi đã dính đến các hợp đồng BH mập mờ, dễ phát sinh kiện tụng rất mất thời gian mà quyền lợi khách hàng thường là bị thiệt thòi.

NH Nhà nước và Bộ Tài chính đã lập ra Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ép người vay tiền mua BH, các thông tin tư vấn mập mờ, ép khách hàng mua BH:

* Đường dây nóng của NH Nhà nước:

Hotline: (024) 3.826.6344 - (024) 3.936.1017

Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn

* Đường dây nóng của Bộ Tài chính:

Hotline: 024.22208018 

Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn,

Lưu Vĩnh Hy