Nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong bảo vệ và phát triển thương hiệu

10:43 29/11/2022

Để ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả hàng nhái, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các ngành chức năng, sự chung tay của toàn xã hội và đặc biệt là nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ thương hiệu của mình.

Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng..

Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, triệt đường phát triển của các doanh nghiệp nội và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hàng giả hàng nhái phát triển tràn ngập thị trường

Nếu như trước đây, hàng giả thường tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở những mặt hàng khác nhau, ví dụ như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, vật tư y tế.... Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều vụ việc có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng.

Trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí còn được vận chuyển một cách tương đối công khai. Đặc biệt là việc mua bán, trao đổi, các kênh giới thiệu quảng bá sản phẩm trong thương mại điện tử cũng góp phần làm cho hàng giả được lưu thông dễ dàng hơn.

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu, bằng nhiều hình thức. Trên thị trường cứ mặt hàng nào tiêu thụ mạnh, được ưa chuộng là ngay lập tức có hàng giả, hàng nhái.

Hàng giả, hàng nhái công khai hoành hành đến mức, các đối tượng sản xuất ra mặt hàng này không dán nhãn mác sẵn, khi người mua có nhu cầu mua hàng của thương hiệu nào thì dán ngay nhãn của thương hiệu đó.

Một nguyên nhân thúc đẩy hàng hóa được làm giả ngay tại trong nước, là cho đến thời điểm này, ở phía biên giới với Trung Quốc vẫn đang là cấm biên, cho nên hàng hóa không đi qua được những kênh truyền thống ngày xưa như là đường mòn, lối mở nữa mà phải đi chính ngạch…

Sau hơn 2 năm COVID-19, khi thị trường mở cửa trở lại thì những hàng hóa còn tồn, hàng hóa chuẩn bị quá date được những đối tượng gian lận thương mại, tẩy xóa, sửa chữa rồi tiếp tục có sự thỏa hiệp của một bộ phận người tiêu dùng trong việc biết là giả nhưng vẫn mua… dẫn đến tình hình tệ nạn hàng giả vẫn tiếp tục gia tăng và rất là dai dẳng.

Chống nạn hàng giả, hàng nhái một cách toàn diện

 Để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, ngoài ra phải có sự tham gia của người tiêu dùng và mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình.

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý hơn 3.000 vụ liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý có cơ chế xử lý, xử phạt các vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ một cách nghiêm minh, đủ sức răn đe. Thống nhất đầu mối tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp và xử lý kịp thời, tích cực, tạo ra cơ chế phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ để doanh nghiệp không mất nhiều thời gian, nguồn lực khi phối hợp. 

Hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dùng.
Hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dùng..

Tập trung xử lý từ gốc, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng

Theo ông Trần Hữu Linh Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là việc tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phóng tránh, từ đó ngăn ngừa và đẩy lùi vấn nạn này.

Có thể nói, công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ ràng, cụ thể thông qua hệ thống pháp luật và hệ thống các cơ quan thực thi.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, từ năm 2007, khi Việt Nam tham gia tổ chức Thương mại thế giới, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chống hàng giả, hàng nhái, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội.

Thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, chưa tích cực, chủ động phối hợp lực lượng chức năng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một phần nguyên nhân là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó khăn, hạn chế về các nguồn lực, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là doanh nghiệp chưa quyết liệt, thậm chí còn “ngại”, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Lê Thế Bảo chia sẻ, có doanh nghiệp khi được cơ quan chức năng thông báo về việc phát hiện có hàng nhái, làm giả hàng của doanh nghiệp thì lại đề nghị đừng “làm to chuyện”, đừng công khai. Hoặc khi thấy trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin sản phẩm của mình bị làm giả thì lại than thở, thậm chí hốt hoảng. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, nếu người tiêu dùng biết sản phẩm này bị làm giả thì họ sẽ không dám mua hàng nữa. Chủ tịch Hiệp hội Lê Thế Bảo nhận định, nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, cho nên ngại bị nói rằng sản phẩm của mình bị làm giả, sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, khó bán hàng. Từ đó cũng ngại tố cáo, khởi kiện, đấu tranh chống hàng giả.

Dưới góc độ luật pháp, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu, Trưởng khoa luật Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM; Trưởng Ban Luật Dân Sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cho biết, để bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó.

Thiếu đi sự phối hợp của doanh nghiệp, công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của lực lượng chức năng sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nếu hàng giả không được ngăn chặn, về lâu dài doanh nghiệp sẽ đánh mất thương hiệu, khó gây dựng lại được niềm tin của người tiêu dùng. Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc đề nghị các doanh nghiệp cần vào cuộc tích cực hơn nữa, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần đầu tư bài bản cho công tác chống hàng giả, đăng ký thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu, quản lý chặt hệ thống phân phối hàng hóa, chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả, tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Đồng thời cần tăng cường các dấu hiệu nhận biết trên sản phẩm, thường xuyên trao đổi với khách hàng về chất lượng sản phẩm và cách phân biệt thật - giả, lập kênh liên lạc để tiếp nhận những phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm.

Hàng giả, hàng nhái không còn cơ hội tồn tại nếu như tinh thần dân tộc được phát huy, mọi thành phần xã hội đều cương quyết không dính líu, dù vô tình hay cố ý đến hàng giả, hàng nhái được thể hiện cụ thể:

Doanh nghiệp sản xuất dứt khoát không làm hàng giả, hàng nhái.

Cơ sở kinh doanh cương quyết không bán hàng giả, hàng nhái.

Người tiêu dùng nhất định không chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái, đồng thời tích cực hợp tác với nhà sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước làm tròn nghĩa vụ của mình.

Nhà nước không để hàng giả, hàng nhái có cơ hội len lỏi thị trường bằng việc hoàn thiện pháp lý, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật nghiêm minh trong việc kiểm tra, xử lý.

 D.A (Tổng hợp)