Mỹ không cấp bản quyền cho các tác phẩm nghệ thuật tạo ra bởi AI

10:16 22/08/2023

Theo giới chuyên môn, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng đã và sẽ tiếp tục đặt ra các vấn đề mới liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 22-8, Reuters đưa tin, một tòa án ở Washington DC đã đưa ra phán quyết: Những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) mà không có đóng góp của con người sẽ không thể có bản quyền theo luật pháp Mỹ.

Thẩm phán Beryl Howell mới đây đã bác đơn khiếu nại của nhà khoa học máy tính Stephen Thaler về việc không được đăng ký bản quyền cho một tác phẩm do hệ thống AI có tên DABUS của ông này tạo ra.

Thaler đã đăng ký bản quyền vào năm 2018 cho "Lối vào thiên đường gần đây", một tác phẩm nghệ thuật thị giác mà ông nói được tạo ra bởi hệ thống AI mà không cần bất kỳ đầu vào nào của con người.

Stephen Thaler đã nhiều lần cố gắng đăng ký bản quyền bức ảnh “với tư cách là tác phẩm được chủ sở hữu của Creativity Machine thuê sáng tạo”. Theo cách đăng ký bản quyền đó, tác giả (thuật toán Creativity Machine) là người tạo ra tác phẩm và Stephen Thaler là chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật, nhưng anh ta đã nhiều lần bị từ chối.

Sau lần từ chối cuối cùng của Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ vào năm ngoái, Stephen Thaler đã kiện Văn phòng này với cáo buộc việc từ chối là “tùy tiện, thất thường ... và không phù hợp với luật pháp”, nhưng thẩm phán Beryl A. Howell không nhìn nhận như vậy.

Trong quyết định của mình, thẩm phán Beryl A. Howell cho rằng, bản quyền chưa bao giờ được cấp cho tác phẩm “không có bất kỳ bàn tay hướng dẫn nào của con người”, đồng thời nói thêm rằng “quyền tác giả của con người là yêu cầu cơ bản của bản quyền”.

Vị thẩm phán cũng khẳng định: "Luật bản quyền của Mỹ chỉ bảo vệ các tác phẩm do con người sáng tạo".

Để khẳng định cho quan điểm của mình, vị thẩm phán cũng đã đưa ra các trích dẫn điển hình, chẳng hạn như trường hợp liên quan đến một bức ảnh tự sướng của khỉ.

Tuy nhiên, thẩm phán Beryl A. Howell thừa nhận rằng, nhân loại đang “tiếp cận các biên giới mới về bản quyền”, nơi các nghệ sĩ sẽ sử dụng AI như một công cụ để tạo ra tác phẩm mới. Theo thẩm phán Beryl A. Howell, điều này sẽ tạo ra “những câu hỏi đầy thách thức về mức độ cần thiết của con người” để đăng ký bản quyền tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra. Vị thẩm này cũng lưu ý rằng các mô hình AI thường được đào tạo dựa trên tác phẩm đã có từ trước.

Luật sư Ryan Abbott của ông Stephen Thaler khẳng định, ông và thân chủ của mình hoàn toàn không đồng ý với phán quyết và sẽ kháng cáo. Về phần mình, Văn phòng Bản quyền Mỹ tuyên bố với quan điểm "tin rằng tòa án đã đạt được kết quả chính xác".

Theo giới chuyên môn, lĩnh vực AI phát triển nhanh chóng đã và sẽ tiếp tục đặt ra các vấn đề mới liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó, Văn phòng Bản quyền Mỹ cũng đã từ chối giá thầu của một nghệ sĩ về bản quyền đối với hình ảnh được tạo ra thông qua hệ thống AI Midjourney, mặc dù nghệ sĩ này lập luận rằng hệ thống AI này là một phần trong quá trình sáng tạo.

Trong khi đó, một số vụ kiện đang chờ xử lý tại Mỹ cũng liên quan tới việc sử dụng trái phép các tác phẩm có bản quyền để đào tạo mô hình AI, cho phép chúng khởi tạo những sản phẩm nghệ thuật mới.

Thu Hà (T/h)