Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp KH&CN: Trợ lực để phát triển

15:52 09/03/2021

Theo Thông tư số 03/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/3/2021, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN.

Hiện có 4 công ty thuộc Tập đoàn NextTech được Bộ KH&CN công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Do vậy, 4 doanh nghiệp này sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Theo ông Đào Minh Phú, Tổng Giám đốc Tập đoàn NextTech: “Đây thực sự là một tin vui cho doanh nghiệp công nghệ và ngành công nghệ thông tin. Thông tư số 03/2021/TT-BTC sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp khác lựa chọn lĩnh vực KH&CN để đầu tư, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển KH&CN, sáng tạo đổi mới cho Việt Nam. Nếu nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư KH&CN, thì thị trường sẽ phát triển mạnh và các lĩnh vực khác cũng được hưởng thành quả, lợi ích”.

Ông Trần Việt Vĩnh, Chủ tịch Fiin Credit cũng nhận định, Thông tư số 03/2021/TT-BTC tạo bước đột phá mới, có tác động tích cực cho không chỉ riêng doanh nghiệp KH&CN, mà còn cho cả sự phát triển chung của ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi được miễn giảm thuế, các doanh nghiệp KH&CN có thể dùng nguồn lực đó để tái đầu tư phát triển. 

 Doanh nghiệp KH&CN cần trợ lực để phát triển. 

Thông tư số 03/2021/TT-BTC ra đời ngay sau Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó, có yêu cầu “phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược”.

Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp KH&CN càng có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần trợ lực để phát triển. Đặc biệt trong đó, nhóm doanh nghiệp KH&CN có khả năng tạo đột phá, tác động lan tỏa tích cực tới các ngành nghề khác.

Thông tư số 03/2021/TT-BTC quy định 4 điều kiện để doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi. Theo ông Trần Việt Vĩnh, việc quy định rõ điều kiện chi tiết, cụ thể như vậy là rất cần thiết để ngăn chặn sự trục lợi của các doanh nghiệp “núp bóng” công nghệ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hướng dẫn các thủ tục rõ ràng, thuận tiện, nhanh chóng, tránh việc “xin - cho”, kéo dài thời gian với các doanh nghiệp đủ điều kiện. 

 4 điều kiện doanh nghiệp KH&CN phải đáp ứng để được ưu đãi thuế:

1. Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

2. Doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp. Doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN là doanh thu của toàn bộ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp là toàn bộ doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác của doanh nghiệp.

3. Doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường. Tiêu chí, cơ sở xác định dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là dịch vụ mới thực hiện theo quy định của Bộ KH&CN.

4. Doanh nghiệp KH&CN phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN trong kỳ để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được, thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện phân bổ theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.anh nghiệp trong ngành còn hạn chế…

B.N