Làn sóng sa thải của các công ty công nghệ đẩy nhân viên ngoại quốc vào thế khó

23:12 22/11/2022

Đợt cắt giảm việc làm mới nhất, chỉ riêng tại hai công ty Meta và Twitter đã ảnh hưởng đến ít nhất 350 người nhập cư. Những người có H-1B bị thất nghiệp chỉ có thể ở lại Mỹ hợp pháp trong 60 ngày.

Ngày 19/11, Elon Musk, ông chủ mới của Twitter, đăng bức ảnh với các lập trình viên lúc 1h sáng, sau khi ra lệnh triệu tập đội ngũ kỹ sư để rà soát sản phẩm. Không ít người nhận ra, trong tấm hình, phần lớn đội lập trình viên là những gương mặt châu Á.

Ngày 19/11, Elon Musk, ông chủ mới của Twitter, đăng bức ảnh với các lập trình viên lúc 1h sáng. Trong tấm hình, phần lớn đội lập trình viên là những gương mặt châu Á.

Khi một nhà khoa học dữ liệu bắt đầu làm việc cho Meta, ông cảm thấy như đã thành công. Dưới “sự che chở” của ông lớn công nghệ hàng đầu tại Mỹ, không chỉ ông được bảo đảm về việc làm mà còn cả visa. Xuất thân từ Trung Quốc, ông cần visa H-1B để ở lại Mỹ.

Sau một năm, mọi thứ dường như diễn ra trôi chảy. Song, tuần trước, tất cả sụp đổ khi ông nhận được email nằm trong số 11.000 nhân viên Meta bị sa thải. Một “gã khổng lồ” khác cũng đuổi việc hàng loạt là Twitter. Nhiều nhân viên mất việc chỉ có 60 ngày kể từ ngày bị cho nghỉ việc để tìm một ông chủ mới, nếu không muốn bị trục xuất và bắt đầu quy trình xin visa mới, theo chính sách nhập cư Mỹ.

Đợt cắt giảm việc làm mới nhất, chỉ riêng tại hai công ty Meta và Twitter đã ảnh hưởng đến ít nhất 350 người nhập cư. Những người có H-1B bị thất nghiệp chỉ có thể ở lại Mỹ hợp pháp trong 60 ngày. Trong đó, nhiều người có thị thực H-1B đã sống ở Mỹ trong nhiều năm đang chờ quốc tịch.

Giờ đây cùng với hàng nghìn nhân viên công nghệ khác, họ đang điên cuồng tìm kiếm việc làm trong một thị trường lao động mới đầy cạnh tranh, trong bối cảnh nhiều nhà tuyển dụng lớn đã ngừng tuyển dụng.

Một người nguyên là nhà thiết kế tại Twitter, 30 tuổi, đã ở Mỹ 14 năm và được cho nghỉ vào tháng 11 cùng với 3.500 đồng nghiệp, cho Hãng tin Bloomberg cho biết, cô đã hình dung ra viễn cảnh này từ lâu. Cô luôn sống trong nỗi sợ hãi phải thu dọn mọi thứ và rời đi.

Việc sa thải đã có tác động đặc biệt lớn đến người Ấn Độ - những người xin thị thực H-1B tạm thời lâu hơn so với các nhóm người nước ngoài khác.

Mỗi quốc gia thường được cấp tối đa 7% số thẻ xanh dựa trên việc làm được cấp mỗi năm. Vì vậy, với gần nửa triệu công dân Ấn Độ xếp hàng tại Mỹ, chỉ có khoảng 10.000 thẻ xanh mỗi năm dành cho họ.

Một báo cáo của Quốc hội Mỹ ước tính: Người Ấn Độ nộp đơn vào năm 2020 sẽ phải đợi tới 195 năm để có thẻ xanh. Người Trung Quốc phải chờ đợi 18 năm. Trong khi đối với những người đến từ phần còn lại của thế giới, chỉ cần chưa đầy một năm để có thẻ xanh.

hiều người nước ngoài đến Mỹ làm việc theo diện visa H-1B.
Nhiều người nước ngoài đến Mỹ làm việc theo diện visa H-1B.

Làn sóng cắt giảm nhân sự quy mô lớn đẩy các nhân viên công nghệ quay lại thị trường việc làm chỉ trong một tuần. Nhiều người trong số họ là người nhập cư, dựa vào công ty để tài trợ cho visa của mình. Trong cuộc cạnh tranh với những người bản địa, deadline giống như một chiếc thòng lọng quanh cổ họ.

Theo thông lệ, các công ty phải trả tiền cho người lao động H-1B trở về nước nếu họ phải rời Mỹ sau khi mất việc. Tuy nhiên, các công ty này đã đưa ra các mức hỗ trợ khác nhau cho người nhập cư.

Trong thông báo gửi nhân viên về đợt sa thải, CEO Meta Mark Zuckerberg thừa nhận những nhân viên ngoại quốc sẽ có thời gian khó khăn. Vì vậy, Meta cho họ thêm thời gian trước khi hủy bỏ hợp đồng để sắp xếp công việc. Công ty cũng hỗ trợ đặc biệt nếu cần.

Song, theo cựu nhà khoa học dữ liệu Meta mới bị nghỉ việc, hướng dẫn ấy là chưa đủ. Ông cảm thấy bối rối về hai thời điểm mà Meta nhắc đến. Ông cũng cho biết, ngày càng khó xin việc hay tìm được một công ty sẵn lòng tài trợ visa.

5 cựu nhân viên của Twitter có thị thực tạm thời cho biết, công ty đã hỗ trợ rất ít và không rõ khi nào thời gian gia hạn 60 ngày của họ bắt đầu. Khi một công nhân yêu cầu làm rõ, đại diện công ty đề nghị tìm luật sư riêng của họ, vì luật có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.

Tiến sĩ kinh tế Gaurav Khanna tại Đại học California cho rằng, làn sóng sa thải ở Thung lũng Silicon có thể nhấn chìm hàng loạt tài năng công nghệ nước ngoài. "Chính sách nhập cư Mỹ gây áp lực nặng nề lên những lao động nhập cư. Nhiều nhân viên công nghệ sẽ phải thu dọn hành lý và rời đi, đồng nghĩa không nhiều người sẽ đến Mỹ để làm việc trong lĩnh vực công nghệ vì tương lai quá bất ổn", Khanna nói với NBC News.

Hầu hết tài năng công nghệ nước ngoài thành danh ở Thung lũng Silicon đều có nhà, xe nhưng tiền mặt hạn chế. Khi không có việc làm, họ phải xoay xở để sống qua ngày. Nhiều người phải đánh đổi hoặc chấp nhận công việc không mong muốn vì gánh vác cả gia đình trên vai. "Dù còn tiền tiết kiệm, điều khó chịu nhất sau khi bị cho thôi việc là áp lực từ cha mẹ và các thành viên trong nhà. Suy cho cùng chúng tôi chỉ là 'công dân tạm thời' ở Mỹ", một cựu kỹ sư Meta nói. Trong khi đó, những người may mắn thoát khỏi đợt sa thải lần này cho biết họ phải làm thêm giờ mỗi ngày nếu không muốn bị nằm trong danh sách cắt giảm tiếp theo.

Với Thung lũng Silicon và nước Mỹ, hệ lụy sau làn sóng sa thải này được đánh giá còn nghiêm trọng hơn. Khanna cho rằng, nếu tình trạng kéo dài, nó có thể bào mòn một ngành công nghiệp được xây dựng chủ yếu dựa trên những người nhập cư. Thống kê từ Quỹ quốc gia về chính sách của Mỹ (NFAP) cho thấy, trong số 582 kỳ lân công nghệ có đến 55% công ty có nhà sáng lập là người nhập cư. Nếu tính cả những người đồng sáng lập và những người có liên quan, con số này chiếm đến 2/3.

Julia Gelatt, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Di cư Mỹ, nói với NBC News rằng, chính sách visa của Mỹ đang bồi thêm cú "knockout" vào tài năng công nghệ nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia khác nhanh chóng tận dụng cơ hội từ làn sóng này.

Các nước khác, chẳng hạn Canada, đang tận dụng tình hình để lôi kéo nhân tài sang nước mình. Dù các chuyên gia không thể chắc chắn người nhập cư sẽ ồ ạt chuyển sang các nước khác hay không, tổn thất lượng lớn nhân tài nước ngoài sẽ hủy hoại không chỉ Silicon Valley mà còn mọi ngành công nghiệp dựa vào đổi mới.

Người phát ngôn của Cơ quan Dịch vụ di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) cho biết, cơ quan này đang tìm hiểu các chính sách, để giải quyết những thách thức mà các cộng đồng nhập cư phải đối mặt. Đồng thời, USCIS cam kết tăng khả năng tiếp cận các lợi ích cho người nhập cư.

Cô Fiona McEntee, luật sư di trú của Tập đoàn Luật McEntee ở Chicago, cho biết: "Những người bị sa thải chịu áp lực nghiêm trọng để tìm việc làm. Vấn đề là "đồng hồ thị thực" tích tắc hằng ngày".

Tú Anh (t/h)