Kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam

16:00 15/09/2022

Sáng ngày 15/9, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Viện Tư vấn công nghệ và Đào tạo Toàn Cầu và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Hội thảo khoa học: “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam”.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

PGS.TS Bùi Tất Thắng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
PGS.TS Bùi Tất Thắng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc.

Khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Tất Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: “KTTH là một trong những mô hình kinh tế mới và trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại ngày nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt nhiệm vụ trong thời gian tới cần phải xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Để có thể thực hiện điều đó, 7/6/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 687/QĐTTg về phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và Quyết định của Thủ tướng chính phủ, hôm nay Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Viện Tư vấn công nghệ và Đào tạo Toàn Cầu và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Hội thảo khoa học: “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam”.

Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các Bộ Ban ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cũng như các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp làm rõ hơn cơ sở lý luận – thực tiễn về phát triển kinh tế tuần hoàn; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phát triển KTTH của quốc tế; đề xuất các chủ trương, chính sách định hướng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác FTA; tiếp cận tài chính xanh, tài chính số phục vụ phát triển KTTH ở nước ta trong giai đoạn mới. Các chủ đề được đưa ra trao đổi như: Tổng quan về kinh tế tuần hoàn; một số lý luận và thực tiễn về việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; phát triển kinh tế tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Áp dụng khoa học tư duy hệ thống trong nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn; ứng dụng các giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số khu vực, xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế trên thế giới và Việt Nam; hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng để thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam trong giai đoạn mới và vai trò của Ngân hàng đối với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; ứng dụng cách tiếp cận Tầm nhìn chiến lược (foresight) trong hoạch định chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam...Từ đó, đưa ra các định hướng quy hoạch, thúc đẩy và phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp đã được nghe các báo cáo khoa học liên quan đến nhận thức, cách tiếp cận về bản chất, mô hình KTTH; những kinh nghiệm về phát triển KTTH trên thế giới và gợi mở đối với Việt Nam; thực trạng và những vẫn đề đặt ra về phát triển KTTH ở Việt Nam; ứng dụng các giải pháp phát triển mô hình KTTH tại một số khu vực, xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế trên thế giới và Việt Nam; ứng dụng cách tiếp cận Tầm nhìn chiến lược (foresight) trong hoạch định chính sách thúc đẩy mô hình KTTH tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất định hướng phát triển, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy và phát triển KTTH hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã đưa ra nhận định tại Hội thảo rằng: "Để xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay đòi hỏi phải hiểu rõ bản chất và căn cứ khoa học, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là của cộng đồng người tiêu dùng. Ngoài ra, cần nhận thức được các cơ hội, thách thức của các công nghệ chủ đạo của cuộc CMCN 4.0 và bộ chỉ số SDG của Liên hợp quốc để chủ động tiếp cận, vận dụng cho mục tiêu phát triển bền vững". 

Cũng tại hội thảo, GS.TS Trần Đức Viên - Chủ tịch HĐKH Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu của mình đã trình bày báo cáo về "Xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên thế giới và ở Việt Nam". Báo cáo nhấn mạnh: "Phát triển KTTH trong nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng tài nguyên (giảm chi phí sử dụng nước, tái sử dụng các chất thải, xử lý biogas giúp giảm chi phí nhiên liệu,...), giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển KTTH trong nông nghiệp là việc làm cần thiết và là xu hướng tất yếu trong tương lai". 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp đã được nghe các báo cáo khoa học liên quan đến nhận thức, cách tiếp cận về bản chất, mô hình KTTH
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp đã được nghe các báo cáo khoa học liên quan đến nhận thức, cách tiếp cận về bản chất, mô hình KTTH.

Qua các báo cáo tham luận từ các diễn giả, đều có thể rút ra được rằng, từ xu hướng chung về phát triển KTTH trên thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, cần xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển KTTH chung của cả nước, của từng lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể. Trên cơ sở đó, các ngành, lĩnh vực, các địa phương, doanh nghiệp cần phải xây dựng được kế hoạch định hướng, lộ trình phát triển KTTH của mình. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển KTTH.

Sau khi các diễn giả báp cáo tham luận, Hội thảo đã diễn ra phiên trao đổi - thảo luận về những nội dung lý luận và thực tiễn xoay quanh mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại đây, các chuyên gia đưa ra những nhận định về cơ hội, thách thức, nội hàm cơ bản của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đồng thời tại đây các tổ chức, doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn khi chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

Thông qua buổi hội thảo ngày hôm nay, mọi người có thể hiểu rõ hơn về thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta; chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế, yếu kém, làm rõ các vấn đề đang đặt ra, góp phần đề xuất quan điểm, định hướng và các cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời Hội thảo sẽ góp phần tăng nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực; từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân, đồng thời định hướng cho doanh nghiệp các chính sách, hoạt động đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Quốc Toản – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Tư vấn Công nghệ và Đào tạo toàn cầu cho biết: Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu là rất hữu ích cho việc xây dựng cơ chế, chính sách. Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, tổng hợp và trình lên Bộ TN&MT và các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, phát triển KTTH là vấn đề rộng lớn, phức tạp, đa diện, đa cấp độ, mang tính dài hạn, cần được nghiên cứu sâu hơn, hệ thống hơn cả về lý luận và thực tiễn. Ông Toản hy vọng và tin rằng, các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTH, triển khai có hiệu quả các mô hình mới.

Lyly