Kiến tạo “ngôi nhà chung” vững mạnh để cộng đồng DNN&V Nghệ An đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước

18:49 14/01/2024

Đó là mong muốn của TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNN&V Việt Nam khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An...

Ông Hoàng Viết Đường - Chủ tịch Hội DNN&V tỉnh Nghệ An phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội
Ông Hoàng Viết Đường - Chủ tịch Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị nêu trên, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Việt Nam khẳng định: Trước hết, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả hoạt động của Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Thông qua Báo cáo tổng kết, tôi nhận thấy hoạt động của Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An rất bài bản và có tính chiến lược rất cao. Đồng thời, Hội cũng đã hoạch định được phương hướng rất cụ thể, rõ ràng, chi tiết để thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội trong năm 2024 trên tất cả mọi phương diện. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để chiến lược hoạt động của mình thành công trên 3 phương diện, đó là: Tự cường; liên kết, hợp tác với tất cả các Hội bạn trong nước và quốc tế; làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Sự thành công trên 3 phương diện này của Hội sẽ tạo được lực cộng hưởng cho “ngôi nhà chung” vững mạnh để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân “nương tựa” vào nhằm cùng nhau phát triển bền vững. Qua đó, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNN&V Việt Nam nhấn mạnh: Kiến tạo “ngôi nhà chung” vững mạnh để cộng đồng DNN&V Nghệ An đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển quê hương, đất nước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNN&V Việt Nam nhấn mạnh: Kiến tạo “ngôi nhà chung” vững mạnh để cộng đồng DNN&V Nghệ An đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển quê hương, đất nước.

“Như các đồng chí đã biết, vào ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này là một món quà vô cùng quý giá mà Đảng, Nhà nước dành tặng cho cộng đồng doanh nghiệp nhân ngày tết Doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua. Nghị quyết 41 đã nêu rõ “phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp”. Đây là nhóm nhiệm vụ rất quan trọng và thiết thực, định hướng cho Hội xác định rõ hơn vị trí, vai trò cũng như phương hướng hoạt động của mình trong thời gian tới. Để phát huy vai trò đó, Hội phải biết cách tổ chức và quan trọng hơn là phải xây dựng được triết lý, tầm nhìn, sứ mệnh của mình trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, luôn kiên trì với phương châm: “Thiết thực - Hiệu quả - Đổi mới - Sáng tạo” để đồng hành, hòa chung nhịp đập với doanh nhân, doanh nghiệp. Thêm vào đó, Hội phải thể hiện được là “ngôi nhà chung” hữu ích của cộng đồng doanh nhân; là nơi doanh nhân đến tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ bí quyết với nhau để cùng nhau đứng vững và phát triển. Muốn vậy, Hội luôn phải: Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ; tiên phong tiếp cận cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân; giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân; lắng nghe, tập hợp, phản ánh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp; chủ động, tích cực tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp hội viên; xây dựng, vận động, thúc đẩy, khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu; chú trọng thực hiện công tác kết nạp hội viên mới, nhằm tăng sức mạnh về trí tuệ cũng như kinh tế, góp phần đưa Hội phát triển vững mạnh; kết nối và tổ chức các khóa học, các lớp đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu và hội nhập sâu rộng… Tựu trung, Hội phải thực sự là cầu nối hữu ích giữa các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng với doanh nghiệp, doanh nhân; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp” – TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

TS. Tô Hoài Nam tặng Bằng khen của Hiệp Hội DNN&V Việt Nam cho tập thể và cá nhân của Hội DNN&V tỉnh Nghệ An đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Hội
TS. Tô Hoài Nam tặng Bằng khen của Hiệp Hội DNN&V Việt Nam cho tập thể và các cá nhân của Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Hội.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam mong muốn: Nghị quyết 41 tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển, nhưng bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực phấn đấu để làm tròn trọng trách của mình. Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cần thống nhất những giá trị và những nguyên tắc đạo đức, văn hoá cơ bản trong kinh doanh. Những nguyên tắc đó cần được phổ cập, lan tỏa và thực hành trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 41 đã đề ra. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người, văn hoá Việt Nam. Song song với đó, đội ngũ doanh nhân cần tập trung chú trọng đẩy mạnh hơn nữa tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo… và trách nhiệm với xã hội, với môi trường, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ hài hoà với lợi ích chung của quốc gia, của nền kinh tế và của xã hội. Tăng cường gắn bó, liên kết, tạo nên các chuỗi cung ứng có giá trị trên tinh thần tương trợ lẫn nhau với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Một doanh nhân thành đạt được ghi nhận không chỉ giỏi trong công việc của riêng doanh nghiệp mình, mà phải hỗ trợ được đồng nghiệp, phải đóng góp để xây dựng cả cộng đồng doanh nhân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Đội ngũ doanh nhân cũng cần phải trang bị những hiểu biết kỹ càng về hội nhập và thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cập nhật và nắm bắt kiến thức mới, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến kinh tế số cũng như các loại hình, mô hình kinh tế, các công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Hơn nữa, muốn phát triển lớn mạnh, bền vững, đội ngũ doanh nhân cần phải phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; quyết tâm cao độ và khát vọng cháy bỏng vươn ra thương trường quốc tế vì một đất nước Việt Nam độc lập, phát triển phồn vinh, cường thịnh. Muốn vậy, trước tiên, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần kiến tạo “ngôi nhà chung” của mình thật vững mạnh để qua đó các thành viên có thể “nương tựa” vào nhau trên hành trình xây dựng và phát triển bền vững hoạt động sản xuất kinh doanh, lan tỏa thương hiệu.

Ông Trần Quang Hòa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Quang Hòa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị.

Đáng chú ý hơn, trước khi diễn ra Hội nghị tổng kết, Hiệp Hội DNN&V Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình tập huấn “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuyển đổi số”. Chương trình tập huấn này do Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) chủ trì. Phát biểu mở đầu Chương trình tập huấn, ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam cho biết: Ra đời từ năm 1904, trải qua hơn 119 năm, ACCA là hội nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị lớn nhất, có tốc độ phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới với gần 526.000 học viên và 247.000 hội viên tại 181 quốc gia. Là một hiệp hội nghề nghiệp có mặt đầu tiên tại Việt Nam. Trên chặng đường hơn 20 năm ACCA có mặt tại Việt Nam, ACCA luôn đồng hành trong các sự kiện quan trọng của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và tài chính tại Việt Nam như đóng góp vào quá trình soạn thảo Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Chiến lược phát triển ngành kế toán, kiểm toán đến năm 2030 – Bộ Tài chính và những nỗ lực trong suốt quá trình hỗ trợ xây dựng và ban hành lộ trình áp dụng chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Có thể nói, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, ACCA đã đào tạo và đóng góp cho thị trường gần 10 ngàn chuyên gia kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị. Với tư cách là tổ chức nghề nghiệp toàn cầu về kế toán, kiểm toán và quản trị tài chính, chúng tôi cam kết cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình phát triển và đổi mới”.

Ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam phát biểu mở đầu Chương trình tập huấn
Ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam phát biểu mở đầu Chương trình tập huấn "Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuyển đổi số" tại Hội nghị.

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện kinh doanh thay đổi nhanh chóng, khối các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khơi nguồn đổi mới. Tuy nhiên, môi trường tài chính và vĩ mô phức tạp có thể gây ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp hiện nay. Nhận thức được điều này, ACCA đã thiết kế một chương trình hỗ trợ căn bản nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức và phương hướng để phát triển và cạnh tranh hơn trên thị trường ngày càng hội nhập với quốc tế. Trên cơ sở đó, vào tháng 7/2023, Hiệp hội DNN&V Việt Nam cùng ký kết thỏa thuận hợp tác với ACCA nhằm đem đến các hoạt động đào tạo, hỗ trợ, được đa dạng hóa và thiết kế chuyên biệt với kỳ vọng cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp. Hôm nay, được sự nhất trí của Ban chấp hành Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An, ACCA hân hạnh được đồng hành để tập huấn Chương trình về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuyển đổi số. Buổi tập huấn ngày hôm nay sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ACCA, nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức và hiểu biết về việc ứng dụng các công nghệ mới trong tài chính và quản trị để nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Từ đó hỗ trợ cho việc ra quyết định để áp dụng công nghệ một cách phù hợp và sáng suốt” – ông Tô Quốc Hưng nêu rõ mục tiêu của Chương trình tập huấn.

Đại biểu và các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự Chương trình tập huấn “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuyển đổi số” do ACCA chủ trì
Đại biểu và các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự Chương trình tập huấn “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuyển đổi số” do ACCA chủ trì.

Tham dự Chương trình tập huấn, các đại biểu và doanh nghiệp, doanh nhân đã được bà Nguyễn Thị Thủy - Giảng viên ACCA tại TTĐT AUDITCARE Việt Nam (ACV), Kế toán trưởng IBM Việt Nam phổ biến kiến thức “Ứng dụng công nghệ trong công tác quản trị tài chính  - kế toán”. Tiếp đến, bà Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên ACCA tại TTĐT AUDITCARE Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tư vấn UHY truyền đạt kiến thức “ IFRS – lộ trình và ứng dụng trong doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn”. Trước khi Chương trình tập huấn khép lại, các đại biểu và doanh nghiệp, doanh nhân được chứng kiến Lễ trao Chứng nhận cho đại diện các doanh nghiệp tham gia workshop.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên ACCA tại TTĐT AUDITCARE Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tư vấn UHY truyền đạt kiến thức “ IFRS – lộ trình và ứng dụng trong doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn”.
Bà Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên ACCA tại TTĐT AUDITCARE Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tư vấn UHY truyền đạt kiến thức “ IFRS – lộ trình và ứng dụng trong doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn”.

Được biết, kết thúc năm 2023, Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An đã có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà và tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt đẹp đáng ghi nhận. Trên cơ sở đó, Hiệp hội DNN&V tỉnh Nghệ An đã hoạch định kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ cho hoạt động của Hội trong năm 2024.

Văn Cương – Hoàng Lan