Kiên Giang phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

08:43 27/05/2021

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường; tái cơ cấu quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, tỉnh chú trọng tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; cải tạo, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn, vùng ven biển và hải đảo.

Kiên Giang nỗ lực nhiều giải pháo trong sản xuất để ứng phó với biến đổi khí hậu
Kiên Giang nỗ lực nhiều giải pháo trong sản xuất để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua,  tỉnh đã phát triển sản xuất với nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả. Trên lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh chuyển đổi hơn 25.500 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang phát triển một số mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chuyển đổi 19.400 ha đất trồng lúa khu vực ven biển ở hai vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên sang sản xuất lúa - tôm. Mô hình này, hàng năm nông dân thu về hai nguồn lợi lúa và tôm, khoảng 4 - 4,5 tấn lúa và 0,45 - 0,5 tấn tôm trên mỗi ha, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm tăng lên 100 - 130 triệu đồng/ha/năm, đồng thời tạo ra môi trường sinh thái khá an toàn, bền vững cho sản xuất lúa - tôm. Tiếp đến, tỉnh chuyển đổi từ cơ cấu 2 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu sang cơ cấu 3 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông ở những diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất. Tỉnh chuyển đổi từ đất trồng lúa sang phát triển mô hình lúa - màu, chuyên rau màu ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, U Minh Thượng, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá. Ngoài ra, tỉnh chuyển đổi hơn 2.160 ha khu vực đất trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang phát triển cây ăn trái, hồ tiêu, khóm (dứa)… ở Giang Thành, Hòn Đất, Rạch Giá, Châu Thành, U Minh Thượng, Giồng Riềng, Gò Quao. Tỉnh phát triển các vùng trồng trọt tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực như: Lúa, rau màu, xoài, khóm, hồ tiêu… với tổng diện tích trên dưới 100.000 ha năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển các mô hình lúa - tôm, lúa - màu, cây ăn trái, cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững.

Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2017 - 2020 diện tích 3.380 ha, trong đó hơn 3.000 ha nuôi tôm được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia như: GAP, GlobalGAP, ASC… Tỉnh từng bước áp dụng công nghệ trong nuôi tôm, phát triển nhanh hình thức nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên và phát triển mới ở vùng U Minh Thượng. Đặc biệt, tỉnh phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, An Minh, năng suất trung bình 24 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 280 triệu đồng/ha. Mô hình này mang lại thu nhập cao cho người nuôi, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, diện tích sử dụng đất thấp phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay, tăng nhanh giá trị sản xuất.

Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và có giá trị kinh tế cao của tỉnh nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, trong giai đoạn tới tỉnh sẽ duy trì tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đặc dụng nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Đầu tư các công trình thủy lợi, các dự án hồ chứa để đảm bảo chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, nhất là vào mùa khô, không để tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phi công trình trong ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Thực hiện nghiêm cơ chế liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xử lý triệt để, dứt điểm và ngăn ngừa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trần Hà