Kiên Giang ký kết phối hợp thanh, kiểm tra trong hoạt động khai thác thuỷ sản vùng biển ven bờ, ven đảo

17:12 12/07/2021

Sáng 12/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ, ven đảo tỉnh Kiên Giang.

Theo kế hoạch thanh tra, Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiến hành thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chung theo từng đợt. Mỗi đợt thanh, kiểm tra là 30 ngày, kể từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, thực hiện kiểm tra và xử lý các phương tiện sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thuỷ sản; các phương tiện làm nghề cấm khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ, ven đảo; các phương tiện hoạt động khai thác không đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác thuỷ sản và hoạt động khai thác thuỷ sản vùng, sai nghề… Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt tuyên truyền Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đại diện các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo ký kết phối hợp thanh tra, kiểm tra chung trong hoạt động khai thác thuỷ sản vùng biển ven bờ, ven đảo 6 tháng cuối năm 2021
Đại diện các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo ký kết phối hợp thanh tra, kiểm tra chung trong hoạt động khai thác thuỷ sản vùng biển ven bờ, ven đảo 6 tháng cuối năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng: Kiên Giang là tỉnh có ngư trường khai thác rộng lớn, nhưng hiện nay năng lực quản lý lực lượng chấp pháp trên biển chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng khai thác thuỷ sản trái phép vùng biển nước ngoài, tình trạng phân lô bán nền, tranh chấp ngư trường khai thác với nhau, giữa nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản thường xuyên diễn ra gây mất an ninh trật tự, an toàn trên biển; tình trạng khai thác thuỷ sản ven bờ mang tính hủy diệt còn nhiều nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Các địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý vùng ven bờ và quản lý phương tiện dưới 12m theo phân cấp kể từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực; công tác thực thi pháp luật thuộc thẩm quyền cấp huyện còn nhiều hạn chế, nhất là việc xử lý vi phạm hành chính gần như buông lỏng; công tác quản lý phương tiện tại địa phương thiếu chặt chẽ, đến nay vẫn còn trên 2.300 tàu chưa đăng ký, đăng kiểm.

Để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo, nâng cao nhận thức cộng đồng về tái tạo nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thủy sản, các văn bản thi hành Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là Nghị định 42/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho công chức địa phương thực thi nhiệm vụ để từng bước nâng cao trình độ trong công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản.

Cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các phương tiện vi phạm tại vùng biển ven bờ, đảo. Đặc biệt thực hiện tốt công tác quản lý các phương tiện đánh bắt dưới 12m được phân cấp quản lý, không để phát sinh tàu chưa đăng ký tại địa phương. Đối với kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra chung trong hoạt động khai thác thuỷ sản vùng biển ven bờ, ven đảo, các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, đến tháng 9/2021 tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm cấp huyện và cấp tỉnh; cuối tháng 12/2021 tiến hành tổng kết công tác kết quả thực hiện, xây dựng kế hoạch cho năm 2022.

Trần Hà

Tags: