Kiên Giang: Hơn 1.000ha lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn tăng cao

08:48 12/03/2021

Tình hình thủy văn trong các tháng đầu mùa khô năm nay ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm, gây ra thiệt hại kinh tế cho hàng trăm hộ nông dân ở tỉnh Kiên Giang

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ đầu tháng 3/2021 đến nay đã có thêm 1.234 ha lúa bị nhiễm mặn, trong đó thiệt hại trên 70% là 769 ha, nâng tổng diện tích lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại do hạn mặn trong toàn tỉnh lên 3.320 ha. Chủ yếu tập trung tại các địa phương Hòn Đất, U Minh Thượng, An Biên, Vĩnh Thuận và Kiên Lương.

Chủ động trong công tác phòng, chống hạn mặn, nên ngay từ đầu tháng 2-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 vận hành tạm thời cống Cái Bé ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt trong khu vực. Tình hình cấp nước trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, các địa phương vùng bị ảnh hưởng mặn như: Kiên Lương, Rạch Giá, An Minh, An Biên, Giang Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành đã hoàn thành gia cố, đắp mới gần 200 đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.

Rễ cây lúa sau khi bị nhiễm nước mặn ở Kiên Giang (Ảnh: LT)
Rễ cây lúa sau khi bị nhiễm nước mặn ở Kiên Giang (Ảnh: LT).

Vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở tỉnh Kiên Giang đến nay đã thu hoạch hơn 40.500 ha, đạt trên 14% diện tích gieo trồng, số diện tích còn lại hơn 24.520 chủ yếu ở giai đoạn đòng trỗ và trỗ chín. Dự kiến, vùng Tây sông Hậu sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3/2020 và vùng Tứ giác Long Xuyên cuối tháng 3/2020.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang, dự báo tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh này trong thời gian tới tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2015 - 2016. Thời gian độ mặn xảy ra gay gắt nhất năm khả năng xuất hiện trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020.
Trước tình hình này, tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn, xâm nhập mặn và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, không lơ là, chủ quan. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm và hợp lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo đơn vị chức năng quan trắc môi trường đúng định kỳ, cập nhật thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; theo dõi, kiểm tra chặt chẽ và tiếp tục đắp đập trên những tuyến kênh rạch có khả năng xâm nhập mặn vào nội đồng, khuyến cáo nông dân không bơm tưới nước cho lúa có độ mặn trên 2‰, không xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu 2020.

 Trần Hà