Kiên Giang: Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng nền hành chính hiện đại

09:07 04/06/2021

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, Kiên Giang triển khai kế hoạch thực hiện đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, công tác đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính gắn số hóa; sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh thời gian tới.

Kiên Giang đổi mới
Kiên Giang đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng nền hành chính hiện đại.

Năm 2021, tỉnh tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện, xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Phối hợp bộ, ngành Trung ương hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công tỉnh phục vụ xác thực, định danh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, được đa số người dân đồng tình. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. 

Phấn đấu đến năm 2022, tỉnh tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% bộ phận một cửa cấp huyện, 30% bộ phận một cửa cấp xã; hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, tạo lập hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Giai đoạn 2023-2025, tỉnh đề ra mục tiêu tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ phận một cửa cấp huyện, xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó do cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ; 100% hồ sơ TTHC giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ, có giá trị tái sử dụng.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỉnh rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp, hiệu chỉnh kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh; triển khai thực hiện số hóa, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đánh giá, xác định, triển khai tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với TTHC thuộc phạm vi quản lý hoặc giải quyết. Đồng thời thực hiện kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành với hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh qua trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ đơn giản hóa TTHC, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên môi trường điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trần Hà