Hơn 1.800 ha tôm nuôi ở Kiên Giang bị thiệt hại do thời tiết thất thường

09:10 03/06/2021

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là hơn 1.820 ha.

Theo đó, có khoảng 1.538 ha bị thiệt hại do sốc môi trường, nắng nóng kéo dài, làm cho nước bốc hơi nhanh gây cạn nước trong ao nuôi. Nước sắc xuống nhanh làm cho độ mặn trong ao tăng lên quá cao, con tôm bị sốc và chết. Cùng với đó, nhiều vùng sản xuất đã xuất hiện mưa trái mùa vào buổi chiều tối làm biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao, gây sốc cho tôm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển gây thiệt hại tôm nuôi. Tính riêng trong tháng 5, có hơn 1.330 ha bị thiệt hại. Ngoài yếu tố môi trường, nguyên nhân còn do người dân nóng vội không tuân thủ lịch thời vụ, không thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật khuyến cáo từ cán bộ chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều nông dân thả giống liên tục hết đợt này đến đợt khác; xử lý kỹ thuật không triệt để khi tôm có dấu hiệu bất thường và mua con giống trôi nổi chưa qua kiểm soát.

Biến động lớn từ yếu tố môi trường gây thiệt hại nhiều diện tích tôm nuôi
Biến động lớn từ yếu tố môi trường gây thiệt hại nhiều diện tích tôm nuôi.

Để bảo vệ vùng nuôi tôm, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đã cấp 27.820 kg hóa chất sát trùng chlorine cho hơn 100 hộ nuôi để khử trùng; khuyến cáo người nuôi tôm cập nhật kết quả quan trắc, cảnh bảo môi trường của ngành chức năng về chất lượng nước để lấy nước có chất lượng tốt vào ao nuôi. Đồng thời, phối hợp với các địa phương vùng nuôi tôm tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến ngư; hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi tôm, phòng trừ dịch bệnh gây hại theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt tình hình nuôi tôm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh những dấu hiệu bất thường; kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh cho thích hợp cũng như hỗ trợ hóa chất xử lý triệt để các ổ bệnh dịch, không để lây lan trên diện rộng. Về phía ngành chức năng duy trì thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ tại các điểm cấp nước đầu nguồn cho các vùng nuôi tôm để khuyến cáo, cảnh báo giúp nông dân chủ động sản xuất.

Trần Hà