Kiên Giang: Các ngành, các địa phương tăng tốc thực hiện nhiệm vụ được giao tạo chuyển biến nhiều hơn nữa trong tháng 11

16:10 29/10/2021

Ngày 28/10, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì cuộc họp ủy ban thường kỳ đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 11.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, việc kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 10 đều có mức tăng trưởng trở lại, một số chỉ tiêu tăng khá và theo đúng kịch bản đề ra như: Sản lượng thủy sản tăng 9,5%, đặc biệt nuôi trồng tăng 25,4%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 21,8%, trong đó giá trị công nghiệp khai khoáng tăng 29,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 4,8 lần; một số hoạt động vận chuyển được khôi phục trở lại, vận tải hành khách tăng 17 lần, hàng hóa tăng 36,5%; thu ngân sách nhiều khởi sắc, cao nhất là thu lệ phí trước bạ gấp 3,5 lần và thu thuế bảo vệ môi trường gấp 5,9 lần,… Các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được chỉ đạo thực hiện kịp thời, phát huy tác dụng tích cực. Văn hóa xã hội được tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh cuộc họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực ban đầu của giai đoạn khôi phục kinh tế thì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh trở lại. Một số chỉ tiêu kinh tế dù có sự phục hồi nhưng mức tăng trở lại chưa đạt như kỳ vọng: Giá trị sản xuất thủy sản giảm 0,2% so tháng 10 và lũy kế 10 tháng chỉ tăng có 1,65%; chăn nuôi gia súc (trâu, bò, heo) giảm so với cùng kỳ và thấp so với kế hoạch, ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn, không những xuất hiện dịch bệnh mà việc tiêu thụ cũng rất khó do sức mua của thị trường giảm mạnh; thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp đã ảnh hưởng đến việc tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Giải ngân đầu tư công dù có chuyển biến khá hơn nhưng vẫn còn rất thấp, giảm 43,5% so với cùng kỳ và thấp hơn trung bình cả nước. Việc chuẩn bị đầu tư các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch 2022 còn chậm. Việc chi hỗ trợ cho người dân từ TP.HCM và các tỉnh trở về đến nay đạt rất thấp (mới được 18,4%), chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ chậm. Việc tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian qua gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không đồng bộ; một vài nơi tại huyện đảo và một số khu vực vùng sâu đường truyền internet còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí so với tháng trước và cùng kỳ. Số lượng hồ sơ trễ hạn, quá hạn còn nhiều; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao đối với một số Sở, ban, ngành và địa phương còn chậm...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều để tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản đề ra, vì vậy căn cứ vào nhiệm vụ UBND tỉnh giao, các ngành, địa phương cần phải tập trung quyết liệt hơn, tăng tốc hơn nữa với tinh thần quyết tâm cao, tạo chuyển biến nhiều hơn nữa trong tháng 11.

Về công tác phòng, chống dịch, ông Thành đề nghị các ngành, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đồng thời cụ thể hóa kế hoạch 204/KH-UBND của UBND tỉnh về thích ứng an toàn, nhất là kế hoạch Triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang. Quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, bệnh gia súc gia cầm; trong đó đối với dịch Covid-19 phải xác định phòng ngừa là chính để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm để thực hiện truy vết, cách ly, khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Để làm tốt điều này, các địa phương phải quan tâm, củng cố tổ Covid-19 cộng đồng; các trạm y tế xã, phường phải có đường dây nóng để thực hiện tổ lưu động chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng được cách ly tại nhà. Tăng cường năng lực về y tế nhất là năng lực điều trị ở cơ sở, phải có giải pháp phân loại điều trị. Thường xuyên theo dõi diễn biến, đánh giá, cập nhật và công bố cấp độ dịch để có biện pháp về y tế phù hợp, kịp thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Về kinh tế- xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị các ngành, địa phương tập trung tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế còn thấp, phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra. Kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, chủ động trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng đa dạng thị trường xuất khẩu, nhất là làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thành các thủ tục dự án mới trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, nhất là trong kế hoạch năm 2022. Đôn đốc thanh toán, quyết toán việc đầu tư mua sắm trong công tác phòng, chống dịch. Kiểm tra việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, lực lượng làm nhiệm vụ. Khắc phục, xử lý tình trạng hồ sơ tồn đọng của tỉnh, ngành, địa phương.

Mai Hương

Tags: