Thứ tư 11/09/2024 13:27
Hotline: 024.355.63.010
Góc nhìn Chuyên gia

Kiểm soát chặt việc vay vốn nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn

15/08/2024 11:23
Từ năm 2022 trở lại đây, việc vay vốn nước ngoài không do Chính phủ bảo lãnh đã trở nên khó khăn hơn và theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, một phần là do chính sách kiểm soát khá chặt việc vay vốn nước ngoài từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
aa
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng - Giám đốc Công ty Luật Legal United Law
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng - Giám đốc Công ty Luật Legal United Law.

Đó là ý kiến chia sẻ của Luật sư Nguyễn Sơn Tùng- Giám đốc Công ty Luật Legal United Law, đồng thời là Chủ tịch Công ty Mua Bán Nợ & Quản lý Tài sản Inter Capital với doanhnghiephoinhap.vn. Theo Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, trước đây, nhiều doanh nghiệp thường xuyên “chủ động nguồn vốn” qua việc thực hiện theo việc vay nước ngoài theo cơ chế tự chịu trách nhiệm, “tự vay, tự trả” theo Nghị định số 219/2013 NĐ- CP ngày 26/12/2013 về quản lý vay, trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, việc “tự vay, tự trả” này đang dần bị siết chặt bởi một số các nhóm quy định về: Mục đích sử dụng vốn vay, giới hạn khoản vay và tỷ lệ an toàn trong cơ cấu nợ… dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp vốn có thế mạnh sử dụng vốn vay nước ngoài trước đây nay cũng bị khó trong xử lý, tiếp cận để đủ điều kiện vay và được giải ngân đối với các khoản vay nước ngoài.

PV: Chủ thể tham gia vào quan hệ vay nước ngoài không do Chính phủ bảo lãnh hiện nay là những ai, thưa ông?

- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Theo Nghị định số 219/2013 NĐ -CP có hiệu lực là từ ngày 15/02/2014, thì chủ thể vay vốn nước ngoài bao gồm cả các tổ chức lẫn cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 219/2013 NĐ-CP xét về mặt quy định đã chưa xác định rõ về mặt luật định và chưa đưa ra các định nghĩa rõ hơn về bên đi vay.

Với việc ban hành Thông tư số 08/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định rõ hơn chủ thể tham gia là bên đi vay khi dùng khái niệm “người cư trú” để xác định. Cụ thể, bên đi vay hiện nay được xác định là các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CN NHNN) tại Việt Nam và các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Riêng với các TCTD hay CN NHNN có thể vừa tham gia trong vai trò bên đi vay hay giữ vai trò ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Và nếu xét theo Thông tư số 08/2023/TT-NHNN thì chủ thể vay cũng có thể được chia thành các nhóm: Nhóm ngân hàng, TCTD; nhóm doanh nghiệp nhà nước; nhóm vay dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế và nhóm các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khác. Với mỗi nhóm hiện nay pháp luật có quy định một số điều kiện riêng cần đáp ứng trong vay nước ngoài không do Chính phủ bảo lãnh.

Như vậy, nếu có sự so sánh giữa Nghị định số 219/2013 NĐ-CP và Thông tư số 08/2023/TT-NHNN thì với nhóm chủ thể là các cá nhân hay tổ hợp tác, thì NHNN hiện nay chưa cho phép nhóm này tham gia vào quan hệ vay nước ngoài dưới tư cách của bên đi vay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thưa ông, có nhiều doanh nghiệp than khó về quy định hạn chế trong mục đích sử dụng vốn vay, điều này trong thực tế có đúng hay không?

-Tất cả các khoản vay nước ngoài, pháp luật quy định bên đi vay phải làm rõ về mục đích vay và đồng thời phải chứng minh được mục đích vay nước ngoài thông qua các hồ sơ, tài liệu mà được thể hiện ở phương án vay, phương án cơ cấu nợ.

Trước đây, theo Thông tư số 12/2014/TT-NHNN (hiện đã hết hiệu lực) thì việc vay nước ngoài do áp dụng gần như triệt để nguyên tắc “tự chịu trách nhiệm, tự vay, tự trả” nên các yêu cầu trong vay ngắn hạn và vay trung, dài hạn không được đặt ra quá chặc chẽ.

Đến Thông tư số 08/2023/TT-NHNN thì có sự phân loại về rõ hơn về mục đích sử dụng vốn vay ngắn hạn và trung, dài hạn. Theo đó, với các khoản vay ngắn hạn chỉ được sử dụng vốn vay ngắn hạn để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền khác mà không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước trên cơ sở phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Với các khoản vay trung, dài hạn thì yêu cầu chỉ được vay để phục vụ các mục đích về thực hiện dự án đầu tư, các dự án khác hay để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hay để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay.

Hiện tại, theo Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 19/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024, khoản vay nước ngoài dù là ngắn hạn hay vay trung, dài hạn chỉ để phục vụ các mục đích sau duy nhất là: (i) Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay; (ii) Bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động cấp tín dụng theo tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD hoặc (iii) Thanh toán cho bên thụ hưởng thông qua ngân hàng hoàn trả với các thư tín dụng trả chậm có điều khoản trả ngay hoặc trả trước và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan đến thư tín dụng.

Như vậy, các phản ánh về việc NHNN đang siết chặt lại về mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài là đúng, thưa ông?

-Nếu so sánh giữa các quy định trong Thông tư số 12/2014/TT-NHNN, Thông tư số 08/2023/TT-NHNN và gần đây nhất là Thông tư số 19/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 về mục đích sử dụng vốn vay như tôi phân tích ở trên thì rõ ràng là đúng, và bên đi vay đã không còn được phép vay nước ngoài để phục vụ các mục đích về: Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài hay của các doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp áp dụng với trường hợp vay trung, dài hạn nước ngoài trước đây.

Thực tế, đa phần nhu cầu sử dụng vay nước ngoài của các doanh nghiệp là vay cho mục đích thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư nên khi NHNN chặn lại các mục đích chính này, thì rõ ràng nhu cầu và khả năng để tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài là không còn nhiều nữa. Các doanh nghiệp, nếu không phải là TCTD và không phải là các công ty xuất nhập khẩu mà sử dụng khoản vay liên quan đến các nghiệp vụ thư tín dụng thì chỉ còn nhu cầu vay vốn để trả khoản nợ nước ngoài hiện hữu từ nguồn vốn vay nước ngoài mới (cơ cấu nợ vay nước ngoài). Điều này, thực tế theo quan sát của tôi có ảnh hướng bất lợi nhất định cho các doanh nghiệp thường vay nhiều vốn nước ngoài trước đây, nhất là trong các ngành nghề có liên quan đến đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Đó là về mục đích khoản vay, còn về giới hạn khoản vay nước ngoài, có những quy định mới nào mà gây ra cản trở cho doanh nghiệp hay không, nhất là với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản?

-Trước ngày 15/8/2023 là ngày Thông tư số 08/2023/TT-NHNN có hiệu lực, NHNN không đặt ra các quy định về giới hạn khoản vay. Và hiện nay với các khoản vay trung, dài hạn có thời hạn vay trên một năm hay các khoản vay phát sinh từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng, chưa có các quy định về giới hạn khoản vay.

Tuy nhiên, với các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng, NHNN có đặt ra các quy định theo nguyên tắc tính tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ và bên đi vay chỉ được vay ngắn hạn trong trường hợp đáp ứng mức giới hạn tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay. Ngoài ra, tỷ lệ này được áp dụng giới hạn ở mức 30% đối với ngân hàng thương mại hay 150% đối với TCTD khác và CN NHNN.

Với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) theo quy định tại Điều 5, Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì phải đảm bảo “tổng dư nợ vay tại TCTD, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu phải có theo quy định đối với mỗi dự án không vượt quá 100% tổng vốn đầu tư của dự án” và tổng mức dư nợ này không vượt quá 04 lần hay 5,67 lần vốn chủ sở hữu tương ứng mỗi dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha dưới 20ha hay từ 20ha trở lên.

Pháp luật về kinh doanh BĐS hiện nay chưa nói rõ là trong tổng dư nợ BĐS có bao gồm luôn các khoản vay nước ngoài nếu khoản vay ấy không phải vay từ các TCTD nước ngoài hay không. Còn về tổng dư nợ trái phiếu, theo tôi nên hiểu là là đã bao gồm cả dư nợ trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế.

Với việc đưa ra các mức giới hạn này, rõ ràng là giúp NHNN kiểm soát tốt hơn về cơ cấu nợ nhưng cũng đặt ra một số thử thách trong việc phải thỏa mãn và đáp ứng thêm một số tiêu chí mới về mức giới hạn này mà nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng khó có thể đáp ứng.

Thưa ông, vậy còn về tỷ lệ an toàn trong cơ cấu nợ nước ngoài đối với bên đi vay, pháp luật hiện hành có quy định gì theo hướng cởi mở hơn không?

-Quy định theo hướng cởi mở hơn theo tôi thấy thì chưa có nhưng quy định theo hướng chặt chẽ hơn thì có và tỷ lệ an toàn hiện nay được áp dụng chung cho cả các khoản vay ngắn hạn lẫn trung, dài hạn. Theo Điều 16 Thông tư số 08/2023/TT-NHNN thì với các khoản vay ngắn hạn, bên đi vay phải đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn tại Luật Các tổ chức tín dụng vào tại các thời điểm cuối của ba (03) tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay hoặc thỏa thuận thay đổi tăng giá trị khoản vay nước ngoài. Nghĩa là nếu áp dụng theo Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 thì bên đi vay cần phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn: Về khả năng chi trả nợ vay gốc, lãi; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn; về trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác. Với việc quy định tỷ lệ này, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp hay TCTD có nhu cầu vay, khó có thể đáp ứng được.

Ngoài ra, nếu đi vay dưới hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế thì doanh nghiệp phát hành còn phải tuân thủ các quy định đối với các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng tại các thời điểm cuối của 03 tháng gần nhất trước ngày nộp hồ sơ đăng ký khoản phát hành.

Vậy theo ông đánh giá, việc tiếp cận và sử dụng vốn vay nước ngoài không do Chính phủ bảo lãnh hiện nay nhìn chung đối với các doanh nghiệp trong thực tế là gặp nhiều khó khăn, hạn chế hơn so với giai đoạn từ giữa năm 2023 trở về trước?

-Cá nhân tôi nhận định về các quy định pháp luật đang có hiệu lực đã trở nên chặt chẽ hơn và không chỉ với 04 nhóm quy định như đã đặt ra. Tôi thấy các quy định khác như về thỏa thuận vay, cơ cấu nợ khoản vay, đồng tiền vay, về chi phí vay, lãi xuất vay, về giao dịch bảo đảm cho khoản vay, về tỷ giá và ngoại hối cũng được quy định theo hướng chặt chẽ và rõ ràng hơn nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của bên đi vay. Nghĩa là bên đi vay phải gánh chịu các trách nhiệm nặng nề hơn và phải tuân thủ nhiều quy định hơn trong mối quan hệ, giao dịch vay, trả nợ nước ngoài.

Trong trong thực tế, theo tôi nhận thấy, ngoại trừ sự chặt chẽ trong quy định pháp luật dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng trong một sớm một chiều thì còn có các thay đổi khách quan vừa mang tính nội tại chung của nền kinh tế vừa đến từ bên ngoài như sự thay đổi theo hướng tăng lên lãi xuất cho vay, tính rủi ro cao về tài sản đảm bảo trong giao dịch vay, khả năng thanh toán nợ vay nước ngoài đúng hạn thấp, các chế định về thế chấp, mua bán nợ liên quan đến khoản vay chưa được hoàn thiện… Những điều này dẫn tính tính hấp dẫn trong cho vay và vay, trả nợ nước ngoài ở Việt Nam chúng ta bị nhìn nhận là kém hấp dẫn.

PV: Xin cảm ơn Luật sư về những nội dung chia sẻ!

P.V (thực hiện)

Bài liên quan
Tin bài khác
Hình ảnh màn tranh luận nảy lửa giữa Trump và Harris

Hình ảnh màn tranh luận nảy lửa giữa Trump và Harris

Vào 21h ngày 10/9 giờ địa phương (8h sáng 11/9 giờ Việt Nam), bà Harris và ông Trump đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, thu hút sự chú ý của công chúng.
Top 5 công viên tạo sức hút cho “thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô” Sun Urban City

Top 5 công viên tạo sức hút cho “thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô” Sun Urban City

Đô thị thời đại Sun Urban City được chủ đầu tư kiến tạo tới 5 đại công viên mang phong cách và công năng khác nhau, đáp ứng đa dạng nhu cầu của cư dân tương lai.
Nhu cầu tuyển dụng nhân viên môi giới bất động sản tăng trở lại

Nhu cầu tuyển dụng nhân viên môi giới bất động sản tăng trở lại

Các doanh nghiệp bất động sản đang cần tuyển dụng nhân viên có khả năng giao tiếp tốt, xây dựng mối quan hệ lâu dài và tạo sự hài lòng cao nhất.
Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước trao đổi chương trình hoạt động với UBMTTQ Việt Nam

Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước trao đổi chương trình hoạt động với UBMTTQ Việt Nam

Sáng ngày 10/9, tại Hội trường UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước.
Huyện Bố Trạch chủ động giải quyết  nhu cầu vay vốn cho người dân

Huyện Bố Trạch chủ động giải quyết nhu cầu vay vốn cho người dân

Thời gian qua, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người lao động ở huyện Bố Trạch tương đối lớn, nhất là tại các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hóa.
lp-bank
tms-group
dic-vu-minh-tuan