Tuần giao dịch qua chứng kiến sự lình xình với thanh khoản sụt giảm đáng kể do tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày. Chỉ số VN-Index hiện đang trong xu hướng tích lũy quanh mốc 1.280 điểm, với các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD, và -DI bị kéo xuống thấp, cho thấy khả năng có những nhịp tăng điểm ngắn hạn trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Phân tích tại CTCK Phú Hưng (PHS), hiện tượng này có thể là giai đoạn tạm dừng để hấp thụ lượng cung tại vùng đỉnh cũ. Sau khi quá trình hấp thụ hoàn tất, thị trường có thể có cơ hội lớn để vượt qua đỉnh tháng 6 (khoảng 1.305 điểm) và tiếp tục xu hướng tăng. Bà Liên kỳ vọng rằng, sự vượt đỉnh có thể xảy ra trong tháng 9, và nếu lực cầu đủ mạnh, chỉ số có thể hướng lên vùng cản tiếp theo ở 1.330-1.350 điểm trước khi điều chỉnh.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán VPS, cũng tỏ ra lạc quan, cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, có thể ngay trong tuần đầu tiên của tháng 9.
Tuy nhiên, diễn biến phiên sáng ngày 4/9 lại đi ngược với dự đoán của các chuyên gia. Sau bốn phiên nhích nhẹ trong chuỗi bảy phiên giao dịch biên độ hẹp, áp lực bán mạnh mẽ đã khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index giảm sâu về dưới mốc 1.270 điểm.
Dù lực cầu vẫn tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng không đủ để giúp các mã này thoát khỏi xu hướng giảm, như VIX, VPB, SHB… Trong khi đó, nhóm cổ phiếu VN30 đang gánh nặng chính của thị trường. Sau hơn một giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đã thu hẹp mức giảm đôi chút và tạm đứng quanh mức 1.275 điểm. Tuy nhiên, nhóm VN30 vẫn giảm mạnh, với chỉ ba mã thoát khỏi trạng thái điều chỉnh.
Xét theo nhóm ngành, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều mất điểm, đặc biệt là bộ ba ngành ngân hàng, chứng khoán và thép đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Một điểm sáng hiếm hoi là cổ phiếu bất động sản, với một số mã như VHM, PDR, HHV, VCG, và HBC hồi phục nhẹ, mặc dù mức tăng còn khá hạn chế.
Mặc dù dòng tiền tham gia thị trường có phần sôi động hơn, nhưng với áp lực bán lớn và diễn ra trên diện rộng, đặc biệt từ nhóm cổ phiếu bluechip, thị trường khó có thể tránh khỏi một phiên giảm mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE ghi nhận 60 mã tăng và 342 mã giảm, VN-Index giảm 12,94 điểm (-1,01%), xuống 1.270,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 325,2 triệu đơn vị, giá trị 8.043,8 tỷ đồng, tăng 47,62% về khối lượng và 49,7% về giá trị so với phiên sáng ngày 30/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,23 triệu đơn vị, với giá trị gần 1.011 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép với mức giảm hơn 17 điểm, trong đó 25 mã giảm và chỉ còn bốn mã lớn gồm VHM, GAS, VNM, BID thoát khỏi trạng thái điều chỉnh. Trong số này, VHM kết thúc phiên tăng 1,3%, còn các mã khác chỉ nhích nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VIX vẫn là mã giao dịch sôi động nhất nhưng áp lực bán khiến mã này tiếp tục giảm điểm trong suốt phiên sáng. Chốt phiên, VIX giảm 2,1% và khớp lệnh gần 12,8 triệu đơn vị.
Nhóm ngành cũng không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh của thị trường chung. Bộ ba ngành ngân hàng, chứng khoán, và thép tiếp tục chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ một số mã như BID và FTS ngược dòng thành công với mức tăng chỉ quanh 0,5%.
Cổ phiếu bất động sản VHM vẫn là điểm sáng khi duy trì mức tăng 1,3%, với thanh khoản nằm trong top 5 mã dẫn đầu thị trường, đạt gần 8 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã đầu tư công như HHV, VCG, LCG, HBC cũng kết thúc phiên trong sắc xanh.
Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ với HNX-Index giảm khá mạnh. Chốt phiên sáng, sàn HNX ghi nhận 39 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 2,27 điểm (-0,96%), xuống 235,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 516 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị 11,85 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giảm mạnh với mức giảm hơn 8 điểm, 27 mã giảm và chỉ còn hai mã DHT và PLC giữ được sắc xanh, với mức tăng chỉ 0,4%. Cổ phiếu SHS là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 5,4 triệu đơn vị, kết thúc phiên giảm 2,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 16.000 đồng/CP.
Cổ phiếu bất động sản CEO khớp 2,7 triệu đơn vị, giữ giá tham chiếu 16.100 đồng/CP. Trong khi đó, mã NAG nổi bật với mức tăng mạnh 7,1% lên mức 12.000 đồng/CP, khớp lệnh đạt 0,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường tiếp tục giảm nhẹ. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,64%), xuống 93,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,57 triệu đơn vị, giá trị 279,32 tỷ đồng, với giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 2 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu dầu khí vẫn sôi động nhưng không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh chung. BSR giảm 2,1% và khớp 4,95 triệu đơn vị, còn OIL giảm 2% và khớp 1,36 triệu đơn vị.
Nhân Hà