Thị trường tiền tệ duy trì sự thận trọng trước tin CPI tháng 8 của Mỹ. |
Báo cáo việc làm tổng hợp vào thứ Sáu (6/9) đã không đưa ra tín hiệu rõ ràng về việc liệu Fed sẽ đưa ra mức cắt giảm lãi suất thông thường 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 tới đây.
Hiện tại, các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ vào thứ Tư (11/9) để có thêm manh mối chính sách, mặc dù Fed đã nhấn mạnh rằng, việc làm hiện đã trở thành trọng tâm lớn hơn lạm phát. Theo cuộc thăm dò của Reuters, CPI dự kiến tăng 0,2% theo tháng trong tháng 8, không thay đổi so với dự báo của tháng trước.
Cụ thể hơn, theo các nhà kinh tế của ING, khi số liệu bảng lương phi nông nghiệp không đủ thuyết phục cho việc cắt giảm 50 điểm cơ bản, các thị trường hiện đang nhìn vào dữ liệu lạm phát của Mỹ để hiểu rõ hơn tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed. "Rõ ràng rằng tăng trưởng kinh tế đang mất đà, và thị trường hiện dường như tập trung vào việc liệu nền kinh tế có thể hạ cánh mềm hay không".
Ngoài ra, cuộc tranh luận của hai ứng viên Tổng thống Mỹ chuẩn bị diễn ra cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, khi việc này có thể có ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11.
Đồng USD đã tăng 0,1% lên mức 143,30 yên, nhích xa khỏi mức thấp nhất trong một tháng là 141,75 yên vào thứ Sáu. Đồng bảng Anh lần cuối giao dịch ở mức 1,3061 USD, sau khi gần chạm mức thấp nhất trong ba tuần là 1,3058 USD.
Chỉ số đồng USD, đo lường sức mạnh của đồng tiền này so với sáu loại tiền tệ khác, ở mức 101,69 sau khi tăng 0,4% vào thứ Hai. Chỉ số này đã giảm 0,5% trong tuần trước khi kỳ vọng của các nhà giao dịch về việc cắt giảm lãi suất thay đổi.
Hiện tại, thị trường đã hoàn toàn đặt cược vào mức cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tuần tới, với mức cắt giảm 50 điểm cơ bản được dự báo khả năng xảy ra là 30%, giảm từ mức 50% vào thứ Sáu, theo công cụ CME FedWatch.
Theo bà Charu Chanana, Trưởng phòng chiến lược tiền tệ tại Saxo, báo cáo lạm phát yếu hơn dự kiến có thể củng cố kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm 50 điểm cơ bản, nhưng nếu kết quả ổn định một lần nữa có thể sẽ không đưa ra được tín hiệu rõ ràng hơn về mức cắt giảm lãi suất. "Nhìn chung, USD được kỳ vọng sẽ giao dịch đi ngang hoặc tăng nhẹ, vì kỳ vọng hiện tại về việc nới lỏng của Fed vẫn còn quá mức", bà cho biết.
Đối với năm 2024, các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ cắt giảm 110 điểm cơ bản, tăng từ mức khoảng 100 điểm cơ bản, trong ba cuộc họp còn lại. Các nhà hoạch định chính sách của Fed vào tuần trước đã báo hiệu họ sẵn sàng bắt đầu một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, nhấn mạnh sự hạ nhiệt trong thị trường lao động có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có sự thay đổi chính sách. Bà Chanana của Saxo nhận định: "Điều này làm tăng khả năng Fed sẽ chọn cắt giảm 25 điểm cơ bản để tránh phát đi tín hiệu hoảng loạn, mặc dù họ có thể để ngỏ khả năng cắt giảm mạnh hơn vào những tháng cuối năm".
Trong khi đó, đồng Euro ít biến động và duy trì ở mức 1,10305 USD sau khi giảm gần 0,5% vào thứ hai, trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm, khi mà gần như chắc chắn ngân hàng này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, tâm điểm vẫn sẽ là các thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách.
Đối với các đồng tiền tệ khác, đồng đô la Úc giảm 0,13% xuống 0,6652 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn ba tuần là 0,66445 USD. Đồng đô la New Zealand giảm 0,19% xuống 0,6133 USD, duy trì gần mức thấp nhất trong ba tuần của hôm thứ hai.