Hai ứng cửa viên Tổng thống Mỹ là bà Kamala Harris và ông Donald Trump mới đây đã công bố chi tiết mới về kế hoạch thúc đẩy kinh tế Mỹ. Bà Harris trình bày các đề xuất tại New Hampshire ngày 4/9, trong khi ông Trump phát biểu ở New York ngày 5/9. Kinh tế luôn là vấn đề quan trọng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo khảo sát của AP tháng trước, 45% người được hỏi tin Trump sẽ quản lý kinh tế tốt hơn, trong khi tỷ lệ ủng hộ Harris là 38%.
Người thắng cuộc trong bầu cử tháng 11 sẽ quyết định thay đổi lớn về luật thuế của Mỹ, khi chính sách giảm thuế năm 2017 sắp hết hiệu lực. Bên cạnh thuế, Trump và Harris có những quan điểm khác biệt rõ rệt về các chính sách kinh tế khác.
Sự đối lập trong kế hoạch kinh tế của Donald Trump và Kamala Harris. |
Tầng lớp trung lưu
Trump cho rằng, việc giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu là cách để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế, với kỳ vọng mức tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 3%. Tuy nhiên, kết quả thực tế không đạt được mục tiêu này. Dù vậy, theo số liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, trong giai đoạn 2018-2019, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tại Mỹ đã tăng thêm 5.220 USD, lên 78.250 USD.
Trong khi đó, Harris tập trung vào việc hỗ trợ tầng lớp trung lưu, người lao động có con nhỏ và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ. Bà chú trọng vào việc giải quyết các vấn đề giá cả, đặc biệt khi nền kinh tế Mỹ đang hồi phục sau giai đoạn lạm phát cao nhất trong 40 năm qua. Harris tin rằng, chính sách thuế công bằng và hỗ trợ các nhóm yếu thế sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Thuế nhập khẩu
Trump tập trung vào việc giảm thuế nội địa, nhưng lại đề xuất tăng thuế nhập khẩu để tạo thêm việc làm trong nước. Ông đề xuất mức thuế nhập khẩu chung là 10% cho tất cả các sản phẩm và tại một sự kiện ở North Carolina gần đây, ông gợi ý có thể tăng lên 20%. Riêng đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Trump muốn áp mức thuế từ 60% đến 100%.
Ngược lại, chiến dịch của Harris cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu. Bà cảnh báo rằng nếu thuế suất chung lên đến 20%, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ phải chi thêm 4.000 USD mỗi năm. Harris lo ngại thuế nhập khẩu cao sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu, khiến người dân, đặc biệt là các hộ trung lưu và thu nhập thấp phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn, trong khi nền kinh tế còn nhiều thách thức.
Ngân sách
Trump muốn tiếp tục chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân từ năm 2017 và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%. Ông cũng đề xuất bỏ thuế trên tiền hoa hồng và an sinh xã hội. Những chính sách này có thể dẫn đến sự thiếu hụt ngân sách lên đến 6.000 tỷ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán rằng, ngay cả khi không gia hạn giảm thuế, Mỹ vẫn có thể đối mặt với thâm hụt 22.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Ngược lại, Harris thể hiện sự thận trọng hơn đối với vấn đề thâm hụt ngân sách. Các quan chức trong chiến dịch của bà cho biết, nguồn thu sẽ được quản lý tương tự như kế hoạch ngân sách năm 2025 của Tổng thống Joe Biden, nhằm tránh việc gia tăng thâm hụt.