Không làm đứt gãy chuỗi cung ứng là điều tiên quyết cho tăng trưởng thời gian tới

10:30 16/08/2021

Để nền kinh tế sớm quay trở lại tình trạng “bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã đề xuất 2 nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. “Trong đó, vấn đề quan trọng là phải duy trì “sức khỏe” cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các giải pháp hỗ trợ sức chống chịu như miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… và đặc biệt là tránh gây đổ vỡ chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa sản xuất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Do khả năng các làn sóng Delta và các biến thể mới chưa biết bao giờ mới kết thúc, do đó, VDSC cho rằng, sự phục hồi sẽ còn khó khăn không chỉ trong 2021 mà cả 2022. Khi 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng mới cho phép hầu hết các ngành kinh tế mở cửa trở lại, việc lưu thông giữa các tỉnh được tiếp tục và nới lỏng hơn đối với các hoạt động xã hội. “Vì vậy, để quay trở lại tình trạng bình thường mới, vấn đề mấu chốt của Việt Nam lúc này là phải đẩy nhanh tiêm chủng và kiểm soát được dịch trong thời gian sớm nhất có thể”, VDSC khuyến nghị.

Để nền kinh tế sớm quay trở lại tình trạng “bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã đề xuất 2 nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. “Trong đó, vấn đề quan trọng là phải duy trì “sức khỏe” cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các giải pháp hỗ trợ sức chống chịu như miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… và đặc biệt là tránh gây đổ vỡ chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa sản xuất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định ưu tiên số 1 lúc này là chống dịch. “Chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, chống dịch không thành công thì gặp khó khăn nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân”, Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, coi đây là một động lực tăng trưởng kinh tế, thực hiện bằng mọi biện pháp và dứt khoát không để dây dưa, kéo dài, dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục, giải quyết các khó khăn, các điểm yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng giảm; chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh; sản lượng thủy sản tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm; cán cân thương mại 7 tháng ước nhập siêu; sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương dịch bùng phát và trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội.

Vì vậy, để giảm thiểu những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và đưa nền kinh tế hoạt động trở lại, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới.

Thứ nhất, cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa.

Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ.

Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này.

Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” gây khó thêm cho doanh nghiệp.

TT

 
Tags: