Khoản phí thu từ ký gửi hành lý của các hãng hàng không thế giới tăng 15%

10:28 27/02/2024

Theo đó, doanh thu hàng không từ phí hành lý đã tăng lên 33 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể 15% so với 29 tỷ USD mà các hãng hàng không kiếm được từ phí hành lý ký gửi vào năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

IdeaWorks - một công ty nghiên cứu thị trường tại Mỹ cho biết, các hãng hàng không đã kiếm được 118 tỷ USD từ các khoản thu ngoài, bao gồm bán hàng trên máy bay, phí hành lý ký gửi, lựa chọn chỗ ngồi và các chương trình khách hàng thân thiết vào năm ngoái.

Một số trong danh sách 20 hãng hàng không lớn được khảo sát của IdeaWorks gồm có American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines, Southwest Airlines, Emirates và Etihad Airways.

Trong đó, doanh thu hàng không từ phí hành lý đã tăng lên 33 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể 15% so với 29 tỷ USD mà các hãng hàng không kiếm được từ phí hành lý ký gửi vào năm 2022 và vượt mức 32,9 tỷ USD năm 2019.

Con số nói trên bao gồm phí kiểm tra hành lý, phí phạt hành lý vượt quá cân nặng quy định và nhiều khoản phí khác mà hành khách phải đóng để xử lý hành lý.

Theo IdeaWorks, phí hành lý ký gửi là giải pháp giúp các hãng hàng không truyền thống tại Mỹ vực dậy trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng vọt vì cuộc khủng hoảng dầu mỏ kéo dài từ năm 2007-2008.

Kể từ đó, loại phí này đã được các hãng hàng không khác trên toàn thế giới áp dụng. Tuy nhiên, không ít hãng đã lạm dụng điều này và tận thu cước hành lý ký gửi.

Hiện, phí hành lý ký gửi nội địa tại Mỹ áp dụng cho hành lý đầu tiên dao động 25-89 USD. Do đó, để tránh bị thu thêm tiền, không ít người buộc đối phó bằng cách mang thêm hành lý xách tay lên máy bay, theo báo cáo của IdeaWorks.

Tuần trước, American Airlines thông báo họ sẽ tăng giá dịch vụ này với khách nội địa lên 40 USD tại sân bay và 35 USD khi làm thủ tục trực tuyến. Mức này tăng 33% so với chính sách áp dụng từ 2018 của hãng. Mức phí tương tự cũng được United Airlines áp dụng từ 24/2.

Lý do được các hãng hàng không đưa ra cho việc tăng này bởi các chi phí về nhân công, nhiên liệu leo thang. Đây cũng là cách giúp họ có lãi trở lại sau thời gian khó khăn vì Covid-19.

Nói với CNBC, đại diện American Airlines cho hay việc tăng phí này cho phép nhân viên của họ dành nhiều thời gian hơn với những khách hàng cần hỗ trợ thêm trong hành trình di chuyển. Song, hãng này cũng tính giảm phí với hành lý quá cân ít.

Hãng hàng không giá rẻ JetBlue Airways của Mỹ cũng tăng phí hành lý trong tháng này đối với những hành khách không lên kế hoạch trước. Hành lý ký gửi đầu tiên vẫn có giá 35 USD nếu khách hàng thanh toán 24 giờ trước khi khởi hành. Nhưng nếu khách hàng đợi đến trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành để kiểm tra hành lý, phí sẽ tăng từ 40 USD lên 45 USD.

"Chúng tôi không hề muốn tăng nhưng đây là cách để giữ giá vé ở mức thấp và duy trì các dịch vụ tiện ích cho khách hàng trong chuyến bay như Wifi, TV", đại diện hãng hàng không JetBlue chia sẻ.

Hay như tháng 1 vừa qua, phí hành lý của Alaska Airlines đã tăng thêm 5 USD, nâng chi phí lên 35 USD cho hành lý đầu tiên và 45 USD cho kiện hành lý thứ hai.

Tại Việt Nam, các hoạt động phụ trợ hàng không như phí hành lý, bán suất ăn, trà sữa trên máy bay cũng đem lại hiệu quả về mặt kinh tế.

Việc bán ký gửi hành lý, suất ăn, gấu bông, quảng cáo, dịch vụ ưu tiên... đã mang về cho Vietjet Air hơn 4.900 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Con số này của Vietnam Airlines cũng là gần 4.300 tỷ, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Thu Trà (t/h)