Khi các công ty nhỏ hơn đồng loạt tố Apple lấy cắp ý tưởng công nghệ

10:15 22/04/2023

Apple thường tổ chức các cuộc thảo luận mở với nhiều công ty nhỏ hơn và sau khi biết được những gì mình cần, liền ngó lơ và tự mình làm ra phiên bản riêng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Với nhiều công ty, lời mời chào hợp tác từ Apple là "nụ hôn thần chết", vì theo WSJ, đó có thể là cách Apple lấy thông tin và copy ý tưởng của họ. 

Các nhà phát triển phần mềm gọi hành vi này là Sherlocking. Nó mô tả tình huống khi Apple ra mắt gì đó, về cơ bản “tiêu diệt” việc làm ăn của một startup nhỏ hơn. Cụ thể, “Táo khuyết” bị cáo buộc nhiều lần lợi dụng một nhà phát triển làm nghiên cứu thị trường. Apple tổ chức các cuộc thảo luận mở với họ và sau khi biết được những gì mình cần, liền ngó lơ và tự mình làm ra phiên bản riêng.

Joe Kiani, nhà sáng lập Masimo – công ty sản xuất các thiết bị đo nồng độ oxy trong máu – vẫn còn nhớ cảm giác vui mừng khi Apple liên lạc và đề nghị hợp tác. Kiani cho rằng công nghệ của ông là sự bổ sung hoàn hảo cho Apple Watch.

Nhưng ngay sau khi gặp Kiani, Apple bắt đầu chiêu mộ nhân viên từ Masimo, kể cả các kỹ sư và giám đốc phụ trách y tế. Ông cho biết Apple chào mời mức lương gấp đôi cho những người này. Năm 2019, Apple công bố bằng sáng chế dưới tên của một cựu kỹ sư Masimo cho loại cảm biến tương tự Masimo. Một năm sau đó, Táo Khuyết ra mắt đồng hồ có thể đo nồng độ oxy trong máu.

“Khi Apple quan tâm đến một startup nào đó thì đây có thể là một ‘nụ hôn của thần chết’. Ban đầu bạn sẽ rất hứng khởi nhưng rồi sẽ nhận ra đây chỉ là một kế hoạch dài hơi để Apple có thể tự phát triển công nghệ và chiếm hữu tất cả kỹ thuật. Khoảng 95% tỷ lệ iPhone của Apple được sản xuất tại Trung Quốc và đừng hỏi tôi họ học được trò này từ đâu”, ông Kiani ngậm ngùi.

Ở chiều ngược lại, Apple khẳng định mình không ăn cắp công nghệ. Hãng công nghệ Mỹ cho rằng chính Masimo và các công ty khác mới sao chép Apple.

Theo Kiani, Masimo đã chi 55 triệu USD cho các vụ kiện và ước tính con số sẽ lên tới 100 triệu USD. Chúng bao gồm nộp đơn lên ITC để nhà quản lý ủng hộ yêu cầu cấm bán Apple Watch tại Mỹ. Lệnh cấm sẽ không được thi hành cho đến khi tất cả các phiên phúc thẩm kết thúc.

Joe Kiani - CEO kiêm nhà sáng lập hãng công nghệ sinh học Masimo. Ảnh: WSJ
Joe Kiani - CEO kiêm nhà sáng lập hãng công nghệ sinh học Masimo. Ảnh: WSJ.

Apple bị cho là đã cố gắng vô hiệu hóa hàng trăm bằng sáng chế thuộc sở hữu của những công ty tố cáo hãng. Theo luật sư và giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhỏ, đôi khi, Apple nộp nhiều đơn kiện rồi tìm cách khiến những bằng sáng chế của họ mất hiệu lực dù chẳng hề liên quan đến tranh chấp ban đầu.

Nhiều công ty lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, thường lôi kéo nhân viên và công nghệ của các đối thủ tiềm năng.

Cách đây khoảng 20 năm, Apple đã phát hành một phần mềm có tên Sherlock, giúp người dùng tìm kiếm các tệp trên máy tính và tìm kiếm thông qua Internet.

Tuy nhiên, một công ty khác đã tạo ra công cụ Watson với nhiều tính năng hơn. Ngay sau đó, Apple phát hành phiên bản cập nhật cùng những tính năng tương tự.

Các doanh nghiệp có 2 cách để tố cáo Apple, hoặc đệ đơn kiện, hoặc khiếu nại công khai nhằm thu hút sự chú ý của giới chức Mỹ, vốn đang nhắm vào xu hướng phát triển độc quyền của Apple.

Gần đây, nhà phát triển phần mềm Blix Inc đã kiện Apple ăn cắp công nghệ ẩn danh địa chỉ email trực tuyến của họ khi phát triển dịch vụ “Sign in with Apple” vào năm 2019. Mục tiêu ban đầu của nhóm phát triển là xây dựng nền tảng tương thích với hệ sinh thái iPhone. Thế nhưng vào năm 2021, Apple đã cho ra mắt một dịch vụ có chức năng tương tự mang tên AirTag.

Hiện Bộ tư pháp Mỹ đang điều tra xem liệu Apple có dùng hệ sinh thái của mình làm “mồi câu” các doanh nghiệp nhỏ, qua đó ăn cắp ý tưởng hay công nghệ nhằm phục vụ cho tập đoàn hay không.

“Sự thật là những công ty này đang bắt chiếc sản phẩm của chúng tôi hoặc bóp nghẹt sự cạnh tranh bằng những bằng sáng chế không hợp lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại các lời tố cáo này trên tòa nhằm bảo vệ những thành quả công nghệ thay mặt cho khách hàng của công ty và sức khỏe cộng đồng”, người phát ngôn của Apple nêu rõ.

Một vụ khác phải kể đến là với AliveCor, công ty với 80 nhân công đã chia sẻ công nghệ cảm biến ECG của mình với Apple vào năm 2015 trong khi xây dựng mối quan hệ kinh doanh.

Vào năm 2018, Apple đã phát hành Apple Watch Series 4, không chỉ giới thiệu cảm biến ECG cho đồng hồ thông minh mà còn chặn các ứng dụng theo dõi tim bên thứ ba.

AliveCor cho biết điều này đã buộc họ phải ngừng bán sản phẩm KardiaBand vào năm 2019, một dây đeo ECG mà công ty đã công bố cho Apple Watch vào năm 2016.

"Chúng tôi nghĩ ra các công nghệ mới và thay vì chỉnh sửa hệ sinh thái cho phép chúng tôi phát triển và tiếp tục xây dựng dựa trên những đổi mới mà chúng tôi đã có, Apple lại loại bỏ chúng tôi, đánh cắp công nghệ của chúng tôi, sử dụng sức mạnh nền tảng của họ để mở rộng quy mô, và bây giờ về cơ bản là nói rằng nó không thể cắt bỏ được”, Giám đốc điều hành AliveCor Priya Abani cho biết.

Theo AliveCor, công ty này đã giao công nghệ điện tâm đồ cho Apple, nhưng sau đó nhà táo đã áp dụng nó vào Apple Watch và chặn các ứng dụng đo tim của bên thứ ba. Ảnh: Apple
Theo AliveCor, công ty này đã giao công nghệ điện tâm đồ cho Apple, nhưng sau đó nhà táo đã áp dụng nó vào Apple Watch và chặn các ứng dụng đo tim của bên thứ ba. Ảnh: Apple.

Vào tháng 12.2022, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) ra phán quyết rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế của AliveCor.

Người phát ngôn của Apple khẳng định họ đã phát triển công nghệ đo điện tim cho Apple Watch từ năm 2012, tức là 3 năm trước khi đồng hồ này ra mắt.

Vào ngày 21.2 vừa qua, AliveCor đã thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định không phủ quyết phán quyết được đưa ra vào tháng 12 của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), điều có thể dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu Apple Watch Series 4 trở lên.

Từ khi thành lập, Apple đã nổi tiếng với khả năng sáng tạo. Họ đã chi rất nhiều tiền cho việc phát triển công nghệ của riêng mình. Trong tài khóa 2022, kết thúc vào tháng 9/2022, ngân sách cho R&D là 26 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm trước đó.

Dưới thời CEO Tim Cook, Apple đã nỗ lực tăng biên lợi nhuận và tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm bằng cách tự thiết kế nhiều linh kiện hơn. Thỉnh thoảng, họ cũng dùng biện pháp thâu tóm để tiếp cận công nghệ, theo các lãnh đạo và luật sư về bằng sáng chế từng làm việc với Apple.

Apple cho biết đã trả phí bản quyền cho rất nhiều công ty lớn nhỏ. Người phát ngôn của Apple nói rằng họ được cấp phép sử dụng hơn 25.000 bằng sáng chế từ các đối thủ nhỏ hơn trong 3 năm qua. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều startup tố cáo nhà táo khuyết ăn cắp ý tưởng của họ.