Apple và Spotify quyết định gỡ bỏ bài hát do mô hình AI tạo ra

17:23 20/04/2023

Sự xuất hiện của các mô hình AI tạo sinh đang gây ra nhiều thách thức lớn đối với ngành công nghiệp âm nhạc, khi các hãng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp liên quan đến bản quyền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các nền tảng âm nhạc đình đám như Apple và Spotify đã chính thức quyết định gỡ bỏ bài hát “Heart On My Sleeve” do một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, sau khi nó gây sốt với hơn 20 triệu lượt nghe trên các nền tảng này.

Bài hát được đăng tải bởi một nghệ sĩ ẩn danh có tên Ghostwriter. Người này cho biết đã đưa các ca khúc đang được phát hành của hai nghệ sĩ Drake và The Weeknd vào hệ thống "huấn luyện" AI và cho ra đời ca khúc mới.

"Đây chỉ mới là sự khởi đầu", Ghostwriter nói trên kênh YouTube của mình.

Ngay khi xuất hiện vào cuối tuần trước, Heart On My Sleeve đã trở thành một hiện tượng. Sau ba ngày, ca khúc đã ghi nhận hơn 20 triệu lượt nghe trên các nền tảng Apple Music, Spotify, TikTok và Twitter, cùng hàng triệu lượt nghe trên các nền tảng khác như Soundcloud, Tidal,...

Chính vì vậy, Universal Music Group - hãng thu âm đại diện cho Drake và The Weeknd đã yêu cầu các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm pháp lý và đạo đức để đảm bảo các mô hình AI tạo sinh không gây ra hại cho nghệ sĩ.

Khi các bài hát cover do AI tạo ra tràn ngập trên Internet, Universal Music Group đã lên tiếng yêu cầu các trang phát trực tuyến như Spotify và Apple Music ngừng cho phép các công ty AI phát hành nhạc của Universal.

“Chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn việc sử dụng trái phép âm nhạc của các nghệ sĩ, và ngăn chặn các nền tảng phát hành nội dung vi phạm quyền của nghệ sĩ. Chúng tôi hy vọng các đối tác nền tảng sẽ không để dịch vụ của họ bị sử dụng theo cách gây hại cho các nghệ sĩ", người phát ngôn của Universal nói với Financial Times.

Mới đây, hầu hết nền tảng như Apple, Spotify, Soundcloud, Deezer đã xóa ca khúc khỏi hệ thống của mình. Dù vậy, nhiều người vẫn tải về và đăng lại trên YouTube và Twitter.

Đây không phải lần đầu AI được sử dụng để "làm mới" các ca khúc của nghệ sĩ. Trước đó, bài hát Easy On Me của Adele mô phỏng giọng hát của Kanye West hay một bản cover bài hát của Beyoncé sử dụng giọng hát của Rihanna cũng gây sốt trên Internet. Đây là những ví dụ cụ thể nhất cho thấy sự cần thiết của việc bảo vệ bản quyền và đạo đức trong việc sử dụng các công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí. 

Sự xuất hiện của các mô hình AI tạo sinh đang gây ra nhiều thách thức lớn đối với ngành công nghiệp âm nhạc, khi các hãng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp liên quan đến bản quyền. Điều này đang yêu cầu các nền tảng AI phải có trách nhiệm để ngăn chặn việc sử dụng các dịch vụ của họ theo cách gây hại cho nghệ sĩ.

Luật sư bản quyền âm nhạc Alexander Ross nói với Insider rằng các bản cover do AI tạo ra có thể là bất hợp pháp.

Luật bản quyền hiện chưa có các hướng dẫn cụ thể về AI tạo sinh âm thanh, hình ảnh. Một số nước cho phép "nhại" bài hát, hay còn gọi là làm parody, có biến đổi. Tuy nhiên những điều luật này có nhiều cách giải thích vì “biến đổi” là chủ quan và chưa có nhiều án lệ trong lịch sử. Đa phần các trường hợp tranh chấp được hòa giải giữa các bên trước khi ra tòa.

Anh Tú (t/h)