Khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kì đầu tư vào chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới công nghệ

22:42 17/11/2022

Các bộ, ngành Việt Nam đã đưa ra 3 lĩnh vực khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư. Cụ thể là chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.

Ngày 17/11, Bộ Công Thương phối hợp Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ tổ chức Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2022, với chủ đề “Thay đổi - Thách thức - Thích ứng”. 

Tại diễn đàn, nhiều đối tác Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ. Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, lý giải, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 107,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2021 và chiếm tỷ trọng 2,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. 

Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2022, với chủ đề “Thay đổi - Thách thức - Thích ứng”
Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2022, với chủ đề “Thay đổi - Thách thức - Thích ứng”.

6 nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh tại thị trường Hoa Kỳ. Dẫn đầu là nhóm sắt và thép, có tốc độ tăng trưởng lên đến 154,6%. Ở góc độ đầu tư, hiện có 1.203 dự án của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 11,5 tỷ USD, đứng ở vị trí 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Riêng trong 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 8, với tổng số vốn đăng ký khoảng 702 triệu USD cho 72 dự án cấp mới.

Bà Pamela Phan, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, phụ trách khu vực châu Á, nhấn mạnh, cả khu vực công và tư của Hoa Kỳ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính... 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh SGGP
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh SGGP.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, dù Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn với nhau nhưng doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Phổ biến nhất là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, hai bên cần tăng cường xúc tiến, đối thoại, phối hợp giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề thương mại ưu tiên cho doanh nghiệp hai nước. Mặt khác, Hoa Kỳ cần sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, tránh tình trạng phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại trong các vụ việc điều tra PVTM và làm gia tăng tần suất các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, cần sớm thúc đẩy chiến lược kinh tế rộng lớn đầu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Về góc độ đầu tư, các bộ, ngành Việt Nam đã đưa ra 3 lĩnh vực khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư. Cụ thể: chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.

Bà Susan Burns cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để có thể nhanh chóng “bắt nhịp” với các rào cản kỹ thuật, nhất là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm mà Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng cường áp dụng trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam cần chọn lọc trong thu hút đầu tư; tránh thu hút đầu tư những ngành, doanh nghiệp của các nước thứ 3 đã bị Hoa Kỳ đánh thuế PVTM để giảm nguy cơ Việt Nam sẽ thành nước bị áp dụng biện pháp PVTM tiếp theo.

Trường hợp các doanh nghiệp bị điều tra, cần phải theo đuổi hồ sơ pháp lý để tránh bị áp thuế PVTM. Riêng với thủ tục hành chính, cần có sự hợp tác giữa bộ, ngành khi ban hành quy định mới, tránh sự chồng chéo trong quy định giữa các bộ, ngành để không gây khó cho doanh nghiệp, kể cả trong quá trình đầu tư, hoạt động và xuất nhập khẩu.

P.V (t/h)