Hy vọng về nền kinh tế phục hồi với tăng trưởng GDP quý IV dự báo đạt 4%.

16:09 06/11/2020

“Với việc mở cửa trở lại nền kinh tế với các quốc gia khác, bước cắt giảm lãi suất mới nhất được kỳ vọng sẽ hỗ trợ niềm tin kinh doanh và tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2020”, nhóm nghiên cứu của VDSC nhận định.

Việt Nam là 1 trong 3 nền kinh tế VIP của Châu Á - Trung tâm hành chính  công tỉnh Bắc Giang

Ảnh minh họa

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 11/2020 với tiêu đề “Tích lũy cổ phiếu trên nền tảng vĩ mô dần phục hồi”. Báo cáo này cho rằng: “Thị trường có thể sẽ tích lũy trong tháng 11 khi thiếu thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh doanh nghiệp và vĩ mô. Tuy nhiên, mối quan tâm hiện tại là biến động thị trường toàn cầu trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng từ 910 đến 960 điểm”.

Bình luận về kinh tế vĩ mô, bản báo cáo này cho rằng tăng trưởng GDP quý III đã phục hồi như kỳ vọng tuy vẫn ở mức phục hồi khiêm tốn, đạt 2,6%. Trong đó ngành nông nghiệp, bán lẻ và xây dựng tiếp tục cải thiện.

Nền kinh tế trong nước dần phục hồi đã giúp thúc đẩy lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, tăng 6,0% so với cùng kỳ; Đầu tư công tăng đã thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực xây dựng. Khu vực sản xuất - động lực chính của nền kinh tế đã đóng góp gần một nửa mức tăng GDP trong 9 tháng năm 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực này cho thấy sự phục hồi chậm. 

Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu của VDSC cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy sự phân hóa trong sự phục hồi của các ngành thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: Nhóm ngành thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, cao su/nhựa, máy móc thiết bị và đồ nội thất phục hồi mạnh. Một số ngành như giấy, điện tử, thiết bị điện tử và điện và gas lại có sự phục hồi khiêm tốn".  

VDSC kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong quý IV/2020 nhờ nhu cầu trong nước và toàn cầu được cải thiện. Chỉ báo về hoạt động sản xuất PMI cũng tăng trở lại trong khu vực vào tháng 9/2020, tăng lên 52,2 từ 45,7 vào tháng 8. Tốc độ đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng GDP trong quý IV/2020. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng rằng việc mở cửa nền kinh tế với các quốc gia khác sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành dịch vụ.

Với giả định rằng không có sự bùng phát lớn trong nội địa trong quý IV, VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2020 ở mức 40% so với cùng kỳ và cả năm GDP ở mức tăng 2,7%.

Hành động để thúc đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế

Báo cáo của VDSC cho rằng do những bất ổn gây ra bởi đại dịch, cả đầu tư tư nhân nước ngoài và trong nước đều giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong khi đầu tư tư nhân giảm 2,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2020.

Nhờ vậy, đầu tư khu vực công trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư công ước tính đạt 484,8 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng 2020, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư công là 330 nghìn tỷ đồng ( tăng 35,3% so với cùng kỳ).

Với nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, vào tháng 6/2020, Quốc hội đã thông qua việc thay đổi hình thức tài trợ cho dự án đường cao tốc Bắc Nam từ hình thức đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 3 dự án với tổng vốn đầu tư 37.600 tỷ đồng sẽ được khởi công vào quý IV/2020 cùng với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (4.800 tỷ đồng).

Như vậy, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn được coi là nhân tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Về mặt chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công vố về việc cắt giảm thêm 50 điểm phần trăm lãi suất vào ngày 30/9, cụ thể: Lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4%/năm. Lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. Lãi suất thanh toán qua đêm liên ngân hàng và thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng thương mại và NHNN từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay tiền đồng đối với lĩnh vực ưu tiên từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Đây là lần cắt giảm thứ ba trong năm 2020 và diễn ra ngay sau khi công bố mức tăng trưởng tín dụng chậm là 5,1% tính đến ngày 22/9 (so với 8,5% cùng kỳ năm ngoái).

“Với việc mở cửa trở lại nền kinh tế với các quốc gia khác, bước cắt giảm lãi suất mới nhất được kỳ vọng sẽ hỗ trợ niềm tin kinh doanh và tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2020”, nhóm nghiên cứu của VDSC nhận định.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, với lạm phát bình quân 3,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm nay, lãi suất điều hành khó có dư địa để cắt giảm hơn nữa nên sẽ không có đợt cắt giảm chính sách nào nữa trong những tháng còn lại của năm nay.

TH