Huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình: Xây dựng các sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế của địa phương

08:57 12/04/2023

Nhằm hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm OCOP, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

UBND huyện Lạc Sơn chỉ đạo xây dựng gian trưng bày, giới thiệu để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
UBND huyện Lạc Sơn chỉ đạo xây dựng gian trưng bày, giới thiệu để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Theo đó, các ngành chức năng đã chú trọng phối hợp mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP các xã, thị trấn và các chủ thể tham gia nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng phương án kinh doanh, cách thức hoàn thiện bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Xây dựng gian trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn và liên kết với nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đưa các sản phẩm đặc sản của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Đến nay, huyện Lạc Sơn đã có các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao là ớt rẽ, thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, cam Hương Nhượng, gà thịt đóng gói hút chân không và hạt dổi. Năm 2023, dự kiến huyện tiếp tục xây dựng 5 sản phẩm OCOP và đánh giá lại đối với 2 sản phẩm đã được công nhận. Để thực hiện chương trình, ngay từ đầu năm, huyện xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị cao.

Năm 2023, theo kế hoạch, ngoài sản phẩm rượu nếp Tiên tửu xứ Mường, huyện Lạc Sơn tiếp tục xây dựng các sản phẩm bưởi da xanh (xã Yên Phú); gạo nếp trứng khe (xã Miền Đồi);  mật ong Mường Vang và rượu cần Mường Vang (xã Tân Lập) tham gia chương trình đánh giá sản phẩm OCOP. Để hoàn thành mục tiêu đề ra huyện Lạc Sơn đang tập trung hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng; tư vấn, hướng dẫn các chủ thể tham gia xây dựng hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn... đảm bảo đủ các điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Không chỉ chú trọng xây dựng các sản phẩm mới, với những nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng, huyện nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm chế biến và chú trọng các tiêu chí về an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì để hướng đến xây dựng các sản phẩm xuất khẩu.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình