HP lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất laptop sang Việt Nam

21:37 13/09/2023

HP cho rằng, họ cần phải chuyển ít nhất một phần sản xuất sang các quốc gia khác với chi phí thấp hơn và ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề địa chính trị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

HP đang muốn rút một phần hoạt động sản xuất laptop khỏi Trung Quốc để đưa sang Thái Lan, Mexico và Việt Nam.

Dẫn nguồn tin thân cận, Nikkei cho biết, đó chỉ là một trong số các biện pháp được thực hiện bởi HP trong mục tiêu đa dạng hóa sản xuất để không phụ thuộc vào Trung Quốc sau những vấn đề về hạn chế bởi đại dịch Covid-19 và địa chính trị.

Không chỉ có vậy, Ban quản lý của HP cũng đã đánh giá sự gia tăng chi phí sản xuất tại Trung Quốc, các vấn đề về tuyển dụng nhân sự và chi phí tiền lương ngày càng tăng. Vì vậy, họ cần phải chuyển ít nhất một phần sản xuất sang các quốc gia khác với chi phí thấp hơn và ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề địa chính trị.

Theo kế hoạch, HP sẽ đưa một số sản phẩm laptop dành cho doanh nghiệp sang Mexico, trong khi các sản phẩm dành cho thị trường tiêu dùng sẽ được sản xuất tại Thái Lan. Đồng thời, HP cũng sẽ đưa một phần sản xuất khác sang Việt Nam từ năm 2024. Dự kiến, trong năm nay, HP sẽ sản xuất khoảng 5 triệu chiếc laptop bên ngoài Trung Quốc, một con số đáng chú ý so với doanh số laptop toàn cầu trong năm 2023 ước tính là 55 triệu chiếc.

Việc chọn Thái Lan làm địa điểm sản xuất có cơ sở hạ tầng vững mạnh sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi của HP thuận lợi hơn. Trong khi đó, việc sản xuất tại Mexico đồng hành với chiến lược cung cấp dịch vụ tốt hơn cho thị trường Bắc Mỹ của HP.

Tuy nhiên, sự ra đời của kế hoạch sản xuất laptop tại Việt Nam không có nghĩa là HP sẽ dừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, bởi công ty đã có những nhà máy sản xuất tại đây. Tuy nhiên, việc chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam sẽ giúp HP giảm độ phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc lắp ráp thiết bị trong tương lai.

HP đã sản xuất tại Trung Quốc hàng thập kỷ. Hãng máy tính số 2 thế giới bắt đầu biến Trùng Khánh thành trung tâm sản xuất laptop từ năm 2008. Acer và Asus cũng theo bước của HP, đề nghị nhà cung ứng chuyển sản xuất sang thành phố này, nơi có vô số các nhà cung ứng như Quanta Computer, Inventec, Foxconn. Ngày nay, Trùng Khánh đứng đầu Trung Quốc về xuất khẩu PC. 

Mỹ là thị trường PC lớn nhất của HP và Dell với thị phần khoảng 31% và 40% tương ứng trong quý I, theo Canalys. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 7,5% và 8% tương ứng trong cùng kỳ. Lenovo và Huawei cùng nhau thống trị thị trường trong nước trong ba tháng đầu năm. Dell có lý do chính đáng để chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc vì 73% thị trường PC dùng trong khối chính phủ của Mỹ nằm trong tay hãng.

Nhà phân tích Kieren Jessop của Canalys nhận xét, mục tiêu chính của đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung hoặc tận dụng lợi thế trung tâm sản xuất mới nổi tại Việt Nam và Đông Nam Á. 

Đây là một bước tiến quan trọng của HP trong việc đảm bảo quy trình sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường. Việc đưa sản xuất laptop vào Việt Nam sẽ không chỉ tạo nên những cơ hội việc làm mới cho người dân mà còn thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao vào tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam.

Hà Anh (T/h)