Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders hôm nay xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp riêng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tối 27/2 tại Hà Nội, sau đó hai lãnh đạo dùng bữa tối cùng các cố vấn. Các cuộc họp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 28/2.
Trong lúc dư luận thế giới bày tỏ kỳ vọng về một thỏa thuận lịch sử có thể được đưa ra sau hội nghị, thì giới chuyên gia lại tỏ ra thận trọng chia sẻ với phóng viên báo DĐDN.
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, cuộc gặp này là kết quả của một quá trình thảo luận nghiêm túc, liên tục giữa Mỹ và Triều Tiên, được khởi động ngay sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018.
Việc Chủ tịch Kim Jong-un thực hiện hành trình khoảng 4.000 km bằng tàu hỏa để tới Việt Nam dự hội nghị cũng cho thấy mong muốn đạt được thành quả trong đàm phán với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, hội nghị đạt được kết quả như thế nào lại là một câu chuyện khác. “Sẽ có thể có thêm một vài ghi nhớ sâu, ví dụ Mỹ có thể giảm một số biện pháp cấm vận cứng nhắc nếu phía Triều Tiên đưa ra những biểu hiện tích cực thể hiện mong muốn tới việc đó”.
Cụ thể, theo vị chuyên gia, có nhiều vấn đề kỹ thuật sẽ phải được đưa ra. “Ngay về khái niệm thế nào là phi hạt nhân hoá giữa hai bên cũng đã không có sự thống nhất, thậm chí ở ngay trong bản thân chính quyền Trump cũng có nhiều cách hiểu ở định nghĩa như thế nào là phi hạt nhân?.
Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Triều ở Singapore khép lại với một tuyên bố chung khẳng định hai bên thống nhất hướng tới mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, Washington và Bình Nhưỡng lại có cách hiểu khác nhau về khái niệm trên, dẫn tới việc tiến trình đàm phán chưa có nhiều kết quả rõ rệt.
Cùng với đó, trường hợp hai bên đạt được thống nhất về khái niệm, Ông Bùi Ngọc Sơn phân tích, "tất cả những yêu cầu này đòi hỏi có sự tính toán kỹ thuật. Ngay cả với trường hợp đạt được tuyên bố chưng thì và các bước tiến hành giải trừ hạt nhân để Mỹ quyết định tin tưởng đáp lại bằng việc giảm sự câm vận cứng nhắc, có kiểm chứng".
Đặc biệt, cần chế tài cho việc thực hiện không đúng thoả thuận. Ông Sơn đánh giá đây là bước phức tạp, các cam kết có thể không thực hiện được, tương tự như Brexit, sau 3 năm lại được chính quyền thảo luận lại từ đầu.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn lạc quan, hội nghị thượng đỉnh lần này vẫn có thể tạo ra kết quả tốt đẹp nhất là một thỏa thuận từng bước, có thể kiểm chứng, trong đó Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân. Bước đầu tiên là việc ngừng hoạt động tất cả các bãi thử hạt nhân, tên lửa và phá hủy vài cơ sở trong số chúng.
Nhưng sau cùng, điều kiện cốt lõi Washington phải đạt được là Triều Tiên cần đồng ý để các thanh sát viên quốc tế vào nước này kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa.
Đổi lại, Mỹ có thể mở văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng như một bước đi hướng tới thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ hoặc tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Mục tiêu cấp bách nhất của Chủ tịch Kim Jong-un là xóa bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để Triều Tiên có thể tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nhưng Mỹ đến nay vẫn khẳng định rằng họ sẽ không nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Phát biểu trước các thống đốc Mỹ tại Nhà Trắng hôm qua, Tổng thống Trump khẳng định ông không thúc ép Triều Tiên về tiến trình phi hạt nhân hóa, nhưng cũng sẽ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, các chuyên gia của trang "38 North" cho hay họ không phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đang hoạt động..