Hoạch định chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc

16:21 07/03/2024

Phía Trung Quốc cam kết sẽ cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ và cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường giao dịch hàng hóa.

Trong hai ngày 6 - 7/3/2024, đại diện từ Bộ Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc, nhằm hoạch định chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc một cách toàn diện. Đây là lần đầu tiên DCE tham gia các buổi làm việc chính thức với các cơ quan và đơn vị đang tổ chức và vận hành thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai thị trường.

Tại trụ sở của Bộ Công Thương, DCE chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về các chính sách và quy định mà Chính phủ Trung Quốc đã và đang áp dụng trong công tác quản lý và tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa. Ông Ran Hua, Chủ tịch DCE, nhấn mạnh: “Hành lang pháp lý là nền tảng để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển ổn định và bền vững. Với sự biến động không ngừng của thị trường, các chính sách và quy định cần được điều chỉnh nhanh chóng và kịp thời để theo kịp tốc độ phát triển của thế giới”.

ại diện từ Bộ Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc
ại diện từ Bộ Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc.

Đại diện từ Bộ Công Thương cũng thông tin rằng trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng Nghị định mới, thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Thị trường Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nên các kinh nghiệm mà DCE chia sẻ được coi là quý báu và có thể nghiên cứu và áp dụng trong công tác quản lý và tổ chức thị trường tại Việt Nam.

Đối với công tác điều hành thị trường, DCE đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với Bộ Công Thương và MXV trong việc triển khai các nghiệp vụ như quản lý giao dịch, quản lý rủi ro, bù trừ giao dịch, và bảo hiểm giá.

Ở Trung Quốc, các hợp đồng đầu tiên được niêm yết trên các sàn giao dịch hàng hóa chủ yếu là nhóm nông sản. Các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa mì, ngô, và đậu tương đã lâu được Chính phủ Trung Quốc coi trọng với tầm quan trọng chiến lược trong việc phát triển kinh tế. Các hợp đồng ngô và đậu tương của DCE liên tục là những sản phẩm dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên thế giới.

Trong buổi làm việc, ông Đặng Việt Hưng, Tổng giám đốc MXV, chia sẻ: “MXV đã và đang phối hợp với các tổ chức, cơ quan, và ngành liên quan, xây dựng các Sàn Giao dịch hàng hóa chuyên biệt cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi dự định sớm triển khai giao dịch Sàn Giao dịch Cao su và Sàn Giao dịch Thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

DCE cam kết sẽ cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ và cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường giao dịch hàng hóa. Đồng thời, DCE cũng sẽ phối hợp với MXV tổ chức các Hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới. Hội thảo sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới.

PV (t/h)