Hòa Bình: 6 tháng đầu năm 2023 thành lập mới 34 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác

09:25 24/07/2023

Trong những năm qua, kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh có có 762 tổ chức kinh tế tập thể (gồm: 549 HTX, 03 QTDND và 210 THT) tăng 9% so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm, thành lập mới 34 HTX, 6 THT, đạt 80% kế hoạch năm 2022; giải thể 7 HTX, 24 THT, 01 QTDND đang thực hiện giải thể. Luỹ kế toàn tỉnh hiện có 654 tổ chức kinh tế tập thể đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh ổn định gồm: 465 HTX, 03 QTDND, 186 THT; còn 84 HTX, 24THT ngừng hoạt động.

Các tổ chức kinh tế tập thể thu hút 17,69 nghìn thành viên và 29,1 nghìn người lao động tham gia. So với năm 2022 giảm 2.200 thành viên và tăng 3.822 người lao động. Bình quân một HTX đạt 733,5 triệu đồng doanh thu, 80,47 triệu đồng lợi nhuận (tăng tương ứng 5,17%  và 3% so với cùng kỳ năm 2022); bình quân 01 Quỹ TDND đạt 15,12 tỷ đồng doanh thu, chênh lệch thu nhập - chi phí 980 triệu đồng (bằng 67,2% cùng kỳ năm 2022); bình quân 01 THT đạt 93,3 triệu đồng doanh thu, lợi nhuận 24,8 triệu đồng/THT (tương ứng đạt 93, 46 và 80% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 335 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, các HTX cung ứng dịch vụ cho thành viên trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, một số HTX quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi và nước sạch nông thôn. Dịch vụ HTX cung ứng chủ yếu là vật tư đầu vào cho sản xuất  như giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật; năng lực hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ cao, bao tiêu, chế biến sản phẩm cho thành viên còn hạn chế. Chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm của HTX chủ yếu là thực phẩm tươi sống hoặc nguyên liệu thô, thu hoạch theo thời vụ, tỷ lệ hao hỏng còn cao, phụ thuộc thị trường nên lợi nhuận chưa cao; sản phẩm qua chế biến, có thương hiệu và giá trị chưa có nhiều. Có 75 sản phẩm của 62 HTX được công nhận đạt OCOP; 30% số HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGap, Globalgap, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ; 10 HTX và 01 THT được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp mã số vùng trồng nội địa, 04 HTX đang chờ xét duyệt cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Các HTX đóng góp quan trọng đối với đảm bảo hiệu quả an sinh xã hội, đem lại nhiều lợi ích thông qua các dịch vụ cho cộng đồng thành viên và đời sống kinh tế nông thôn; góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng vật nuôi, trực tiếp góp phần vào tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân; tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện xoá đói, giảm nghèo.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình