Hành trình Donald Kendall gây dựng PepsiCo trở thành đối thủ “nặng ký” của Coca-Cola

11:29 02/07/2021

Ông Donald Kendall - cựu Chủ tịch, CEO của hãng thực phẩm và đồ uống PepsiCo được biết đến là người đã đưa PepsiCo trở thành một đế chế đồ uống và đồ ăn nhẹ khổng lồ và thành đối thủ hàng đầu của Coca-Cola.

Từ công nhân nhà máy thành CEO 

Ông Donald Kendall lớn lên tại một nông trại bò sữa ở Washington. Sáu tuổi Donald Kendall đã biết vắt sữa bò, cắt cỏ, chặt cây, làm vườn, điều khiển hầu như tất cả các loại máy móc trong nhà và cứ thế cho đến hết trung học. Kendall từng được học bổng thể thao để vào đại học nhưng bỏ dở để nhập ngũ khi Chiến tranh Thế giới 2 bùng nổ. Ông đăng ký gia nhập quân đội, làm phi công ném bom trong suốt thời kỳ chiến tranh. 

Cựu giám đốc điều hành tập đoàn thực phẩm và đồ uống PepsiCo, ông Donald Kendall. Nguồn ảnh: Internet
Cựu giám đốc điều hành tập đoàn thực phẩm và đồ uống PepsiCo, ông Donald Kendall. Nguồn ảnh: Internet.

Khi chiến tranh kết thúc, Donald Kendall xuất ngũ và bắt đầu đi tìm việc làm. Khi đó, quân đội có chương trình hỗ trợ cho những ai muốn theo học đại học nhưng bạn phải cam kết là sẽ làm việc cho họ trong ba năm sau khi tốt nghiệp. Dù không có đủ tiền để có thể theo học cho đến hết đại học nhưng Donald Kendall không muốn ở trong quân đội lâu hơn nữa nên quyết định không theo con đường này.

Ngay khi xuất ngũ, Donald Kendall lập tức chuyển sang bờ Đông vì nghe nói nghề câu cá hồi ở đây rất khấm khá. Rồi một người bạn thời còn trong quân đội bảo ông nộp đơn xin vào Pepsi làm việc. Bản thân bạn ông không thể làm cho Pepsi vì mang họ Lehman. Số là trước đây Walter Mack, một người thuộc đế chế Pepsi, đã cưới một cô vợ dòng họ Lehman nhưng sau đó họ ly dị. Vì lẽ đó Pepsi và nhà Lehman cắt đứt quan hệ với nhau. Donald Kendall nghe lời bạn, đi phỏng vấn và được nhận vào Pepsi với mức lương khởi điểm 400 đô la. Đó là vào năm 1947.

Donald Kendall bắt đầu từ xưởng đóng chai, sau đó chuyển qua khâu giao hàng bằng xe tải, và cuối cùng làm tiếp thị món nước giải khát màu nâu mang lại nhiều sảng khoái của Pepsi.

Kendall thăng tiến rất nhanh khi chỉ 5 năm sau đó đã trở thành phó chủ tịch mảng bán hàng toàn quốc của PepsiCo, ở tuổi 31. Từ năm 1957 tới 1963, ông giữ chức Giám đốc bộ phận bán hàng quốc tế và giúp công ty tăng trưởng gấp đôi doanh thu ở thị trường quốc tế. Nhờ đó, doanh thu Pepsico doanh thu gấp 3 lần.

Ngoài việc mở rộng thị trường của Pepsi sang Liên Xô, Kendall cũng đặt nền móng đưa sản phẩm của Pepsi sang Trung Quốc - thị trường đông dân nhất thế giới.

Dưới thời Kendall, PepsiCo có doanh số tăng gấp gần 40 lần. Cũng trong giai đoạn này, PepsiCo đã thuê kiến trúc sư Edward Durell Stone thiết kế trụ sở trên khuôn viên rộng gần 60 ha, cách Manhattan gần 50 km vế phía Bắc. 

Ghi dấu đậm nét trong lịch sử của PepsiCo  

Một trong những điều ghi dấu đậm nét trong lịch sử của PepsiCo dưới thời Kendall là hành trình đưa sản phẩm vào thị trường Liên Xô - trở thành hãng tiêu dùng Mỹ đầu tiên bán hàng tại đây.
Năm 1959, Kendall từng xuất hiện tại Triển lãm Quốc gia Hoa Kỳ ở Moscow (Nga) với tham vọng tạo nên một bước ngoặt lớn cho Pepsi. Đêm trước sự kiện, Kendall đã đến gặp Richard Nixon - khi đó là Phó Tổng thống Mỹ - tại Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô và nhờ ông Nixon đưa nhà lãnh đạo Khrushchev tới gian hàng của PepsiCo. 
Tại đây, Kendall đã mời nhà lãnh đạo Liên Xô uống thử cả Pepsi được sản xuất tại Mỹ và tại Nga. “Tôi muốn cho ông ấy thấy rằng chúng tôi có thể sản xuất sản phẩm tại Nga với chất lượng y như ở Mỹ”, Kendall nói.  
 Những bức ảnh về sự kiện đình đám này đã được lan truyền khắp thế giới như một dấu ấn về sự giao thoa văn hóa. 
Donald Kendall (ngoài cùng bên trái), nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (thứ hai từ trái sang) và Richard Nixon (tóc đen) tại Hội chợ Quốc gia Hoa Kỳ tại Moscow năm 1959. Ảnh: AFP.
Donald Kendall (ngoài cùng bên trái), nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (thứ hai từ trái sang) và Richard Nixon (tóc đen) tại Hội chợ Quốc gia Hoa Kỳ tại Moscow năm 1959. Ảnh: AFP..

Theo Kendall, Khrushchev đã giúp quảng cáo nước ngọt của Pepsi tới người Nga khi tuyên bố: “Hãy uống Pepsi-Cola sản xuất tại Nga. Chúng ngon hơn nhiều so với Pepsi sản xuất ở Mỹ". Với Pepsi, đây là thời điểm tuyệt vời để tung ra slogan: “Hãy hòa đồng, hãy uống Pepsi”. 

Nhiều năm sau đó, Pepsi chính thức bước chân vào thị trường Liên Xô với nhà máy đóng chai đầu tiên theo một hợp đồng được dàn xếp giữa Kendall và Bộ Thương mại Liên xô. Đổi lại, PepsiCo sẽ phân phối rượu vodka Stolichnaya và một số loại đồ uống có cồn khác của Nga tại Mỹ. Đây là một chiến thắng vẻ vang của Kendall, đặt nền móng đưa ông vào vị trí CEO của công ty 6 năm sau đó. 

Sau sự kiện, Kendall thường xuyên tới Nga để phát triển thị trường. Ông cũng trở thành bạn thân của Nixon - người sau đó trở thành Tổng thống Mỹ.

“Tôi đã học được một điều rằng người Nga và Người Mỹ có rất nhiều điểm chung mà mọi người không biết”, Kendall cho biết khi đó. 

Sau khi rời chức CEO của PepsiCo năm 1986, ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch ủy ban điều hành của Hội đồng quản trị công ty tới năm 1991.

Đến ngày 19/9/2020, ông đã qua đời ở tuổi 99. Như vậy, Cuộc đời của Don Kendall bắt đầu sự nghiệp ở vị trí một nhân viên bán hàng có niềm say mê công việc cao độ. Ông tin rằng sự tự tin của mỗi con người được xây dựng từ thuở ấu thơ và là phẩm chất quan trọng của bất kỳ ai. Cũng như nếu bạn đã từng thành công với môn đi dây tử thần, bạn sẽ tự tin hơn, bản lĩnh hơn và dễ dàng vượt qua mọi trở ngại khác. Sự tự tin theo thời gian sẽ chuyển thành kinh nghiệm chuyên môn của bạn.

TH