Hà Tĩnh tiếp tục kiên định với đề xuất dừng mỏ sắt Thạch Khê

18:36 17/07/2023

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, tỉnh kiên quyết đề xuất dừng thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê do lo ngại về những hệ luỵ từ hoạt động khai thác tại dự án này.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phấn sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 5 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà. Với tổng mức đầu tư dự mỏ sắt Thạch Khê là 14.517,2 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm, và khai thác đến độ sâu âm 550m.

Số phận dự án mỏ sắt Thạch Khê đến nay vẫn còn nan giải
Số phận dự án mỏ sắt Thạch Khê đến nay vẫn còn nan giải.

Công nghệ khai thác lộ thiên; trữ lượng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác; thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm; tổng diện tích đất sử dụng 4.821ha, bao gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011 thì dừng lại.

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất về việc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Các Bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, đề xuất, kiến nghị nhưng vẫn chưa có lối ra cho dự án này. Đến ngày 10/02/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, gần 2 năm qua dự án vẫn dậm chân tại chỗ và Hà Tĩnh vẫn "bảo lưu" quan điểm dừng dự án.

Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh một lần nữa khẳng định, Hà Tĩnh kiên quyết đề xuất dừng thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng nhấn mạnh, nếu khai thác, một ngày sẽ có 3 - 4 triệu m3 nước thải xả ra biển. Mỗi ngày có 2 tấn mìn nổ cách TP Hà Tĩnh 5km đường chim bay, cách bờ biển 300m, điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Hà Tĩnh rút kinh nghiệm từ bài học về sự cố môi trường của Công ty Formosa từng xảy ra.

Trước đó, ngày 3/7, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh bàn về giải pháp thực hiện phương án trung gian là khai thác với độ sâu âm 145m so với mực nước biển để báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị.

Tại buổi làm việc này, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tập đoàn đã yêu cầu Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) xây dựng “phương án trung gian” này.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) xây dựng (Phương án trung gian) khai thác mỏ sắt Thạch Khê mức âm 145 m so với mực nước biển. Dự kiến khai thác 41,8 triệu tấn quặng, đất đá bóc 121,3 triệu m3, tổng mức đầu tư trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách hơn 17.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện phương án là 10 năm.

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cũng đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh cùng có phương án tháo gỡ khó khăn như: đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với TIC trong thời gian TIC phải tạm dừng dự án.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, hiện tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa đảm bảo nghiên cứu các yếu tố khoa học kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường nên chưa cần thiết khai thác. Theo ông Dũng, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng là một dấu ấn, nhưng Hà Tĩnh đánh giá “nếu tiếp tục khai thác sẽ có nhiều khó khăn, rủi ro xảy ra”, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển năm 2016. Quá trình thực hiện dự án còn nhiều bất cập, mức độ nghiên cứu về điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, chưa đảm bảo độ tin cậy và thiếu tính khả thi.

Tâm Đan