Gieo “mầm xanh” ở bản Mống

10:21 26/08/2021

Năm học mới sắp bắt đầu, cũng háo hức cho ngày khai giảng như những đứa trẻ hồn nhiên khác, nhưng không may mắn, không đủ đầy như các bạn nhỏ ở trung tâm, ở khu chính, ở miền xuôi, ở thành phố, các cháu nhỏ khu lẻ bản Mống của trường Mầm non Mỹ Tân (Ngọc Lăc, Thanh Hóa) còn chịu nhiều thiệt thòi cần được hỗ trợ và chia sẻ.

Nỗi lòng của cô giáo mầm non vùng cao…

Cách thành phố Thanh Hóa hơn 100km về phía Tây, chúng tôi có mặt tại bản Mống Mỏ một ngày thu đẹp, giữa bát ngát xanh của núi đồi Mỹ Tân, khu lẻ Mống của trường Mầm non nép mình trong bản nhỏ với căn nhà lá đơn sơ, cũ nát với 2 phòng học tranh tre, khu bếp tạm bợ là nơi dạy và học, cũng là nơi sinh hoạt trong suốt nhiều năm của cô trò khu Mống trường Mầm non Mỹ Tân. Nhìn mái trường của những “mầm xanh” nhỏ nơi đây đã khiến chúng tôi không khỏi trăn trở…

Điểm lẻ Mống Mỏ cách trung tâm chừng 7- 8km. Ở đây đang có hơn 100 cháu thuộc các nhóm trẻ theo học, hơn 99% là con em của người dân tộc Mường thuộc diện đặc biệt khó khăn, điều kiện chăm sóc các con đang còn thiếu thốn đủ bề. 

Khu Mống Mỏ trường Mầm non Mỹ Tân huyện Ngọc Lặc
Khu Mống Mỏ trường Mầm non Mỹ Tân huyện Ngọc Lặc. 

Quan sát mái trường của khu lẻ Mống Mỏ, những gì chúng tôi ghi nhận được là sự ngăn nắp và vô cùng đơn sơ. Có thể nói là đơn sơ quá đỗi so với yêu cầu, với nhiệm vụ, với chương trình, với chỉ tiêu mà ngành giáo dục chúng ta vẫn đặt ra. Những bộ bàn ghế cũ, trang thiết bị dạy học cũng thiếu thốn, bếp ăn tạm bợ… Có lẽ các cô giáo công tác ở đây đã phải nỗ lực rất nhiều để chăm sóc cho mái trường của lũ trẻ được ấm cúng, chỉn chu hơn, để mỗi ngày các con đến trường sẽ là một ngày vui trọn vẹn.

Bởi đa phần cha mẹ của những đứa trẻ ở đây đều đi làm ăn xa, gửi gắm các con nhỏ cho ông, bà chăm sóc, nên khi được đến trường những đứa trẻ đáng thương này vui như những con chim non được về tổ ấm cùng với mẹ. Chứng kiến sự lem luốc, thiếu thốn của những đứa trẻ vùng cao đã khiến cho những cô giáo mầm non nơi đây cảm động, từ đó mà yêu thương, mà chia sẻ, đùm bọc, chăm sóc các con với một tâm huyết trọn vẹn nhất của những người mẹ. Có thể nói mỗi cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa này là một người mẹ dìu dắt các em để tìm con chữ, tìm niềm vui với hy vọng có thể thay đổi được cái nghèo khó, mang đến những mầm xanh hi vọng cho vùng núi rừng miền Tây Thanh Hóa.

Đối với công tác giáo dục nền tảng đầu tiên cho trẻ, nhà trường đã đặc biệt quan tâm, làm tốt các chuyên đề “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”, “tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số”... Bởi vậy, những đứa trẻ ở bản Mống khi đến với lớp học mầm non, các con còn được các cô hướng dẫn để tiếp cận với những trò chơi, những bài học, và tiếp cận tiếng việt phổ thông, để bắt đầu hình thành những kỹ năng đầu đời, chuẩn bị cho hành trang sau này mà các con sẽ đi tiếp.

Để niềm vui đến trường của những “mầm xanh” được trọn vẹn

Trở lại Mỹ Tân hôm nay, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay da đổi thịt từ những chương trình mục tiêu cho giáo dục. Thực hiện phong trào xã hội hóa giáo dục, nhiều năm qua, trường Mầm non Mỹ Tân (Ngọc Lặc) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của giáo dục, tự nguyện đóng góp ngày công lao động xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy và học.

Năm học 2020-2021 từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng nguồn ngân sách huyện, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 8 phòng học. Sự nỗ lực đó của tập thể và lãnh đạo nhà trường đã góp phần cải thiện về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp cải tạo khuôn viên lớp học có đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, bàn ghế hợp với lứa tuổi của trẻ, lồng ghép các nội dung giáo dục văn hoá truyền thống, giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khoá. 

Vườn cổ tích của nhà trường được đầu tư xây dựng đẹp hơn
Vườn cổ tích của nhà trường được đầu tư xây dựng đẹp hơn. 

Nỗi trăn trở về những khó khăn thiếu thốn của cô trò ở bản Mống cũng được giải tỏa bằng việc năm 2021, nhà trường đã được đầu tư xây dựng khu lẻ Móng Mỏ khang trang hơn, sạch đẹp hơn, cho các con trên bản Mống mỗi ngày đến trường là một ngày về với tổ ấm yêu thương cuả chính mình với niềm vui trọn vẹn hơn.

Niềm vui được về một ngôi trường mới cũng ngời lên trên nụ cười, tiếng nói của cô giáo bám bản, của từng phụ huynh nghèo khó nơi vùng cao Mống Mỏ. Ngôi trường mới dù còn ngổn ngang chưa hoàn thiện, nhưng đội ngũ cán bộ giáo viên ở trường Mầm Non Mỹ Tân vô cùng cảm kích trước tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục của các cấp lãnh đạo xã, huyện Ngọc Lặc, của các mạnh thường quân đã chung tay, chung sức để tuổi thơ nơi đây được đến trường trong niềm hân hoan vui sướng. 

Mầm Non Mỹ Tân hôm nay đã thay da đổi thịt nhưng vẫn cần lắm sự quan tâm của những tấm lòng
Mầm Non Mỹ Tân hôm nay đã thay da đổi thịt nhưng vẫn cần lắm sự quan tâm của những tấm lòng. 

Chia tay bản Mống với bao ngổn ngang cảm xúc, chỉ ít ngày nữa thôi, tại ngôi trường mới xây trên bản nghèo lại xôn xao tiếng khóc, tiếng cười của lũ trẻ mới tập đến trường; lại hiện lên dáng vẻ ân cần của những “người mẹ” dỗ dành con ngày đầu đến lớp. 

Cán bộ Giáo viên trường Mầm non Mỹ Tân trong ngày khai giảng năm học mới 2019
Cán bộ Giáo viên trường Mầm non Mỹ Tân trong ngày khai giảng năm học mới 2019. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) 

Cũng có thể ngày đến trường của các con sẽ không thể theo kế hoạch vì dịch bênh Covid19 có những diễn biến mới phức tạp hơn, nhưng chúng tôi tin rằng, ước mơ, niềm vui, sự rộn rã trong các thầy cô, trong những đứa trẻ sẽ không bao giờ dừng lại trên bản làng xa xôi này. Thương lắm những “mầm xanh” bản Mống… 

Ngọc Lâm