Giá gas hôm nay 1/11: Giá gas trong nước tăng sau 6 tháng giảm liên tiếp

08:25 01/11/2022

Giá gas hôm nay 1/11 ở thị trường trong nước đảo chiều tăng tới 20.000 đồng mỗi bình 12kg.

Giá gas trong nước

Sau 6 tháng liên tiếp giảm, giá gas bán lẻ từ hôm nay 1/11 quay đầu tăng do biến động của giá gas thế giới và biến động tỷ giá.

Cụ thể, giá gas Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tại Hà Nội tháng 11-2022 là 427.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.710.800 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 20.400 đồng/bình 12 kg và 81.900 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Trong khi đó, Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.

Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.

Lý do giá gas trong nước tăng được đại diện Saigon Petro nêu ra là giá CP bình quân tháng 11/2022 ở mức 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng 10/2022.

Bên cạnh đó, có doanh nghiệp cho biết, do tỷ giá biến động, đồng USD tăng giá nên giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm theo tỷ giá. Như vậy, sau 6 tháng giảm liên tiếp, giá gas trong nước tăng trở lại.

Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã có 4 lần tăng giá và 7 lần giảm giá.

Giá gas thế giới

Giá gas hôm nay 1/11, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 1,09% xuống mức 6,286 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2022.

Giá khí đốt đã bất ngờ tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 31/10 sau những ngày giảm sâu liên tiếp, tuy nhiên, nhìn chung giá khí tự nhiên giao sau tiêu chuẩn của châu Âu đã giảm hơn 70% so với thời điểm cao kỷ lục vào cuối tháng 8.

Hiện nay, các quốc gia trên khắp châu Âu tích trữ khí đốt trước mùa Đông khi nguồn cung cấp đường ống dẫn khí đốt của Nga đã cạn kiệt.

Trong các nước châu Âu, Pháp đã sớm hoàn tất việc trữ đầy 100% kho dự trữ khí đốt và được cho là có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác trong nguồn cung năng lượng nhờ số lượng nhà máy điện hạt nhân đông đảo.

Tuy nhiên ở Đức, các hộ gia đình ở đây vẫn đang phải trả gấp đôi cho hợp đồng khí đốt trung bình hàng năm từ nhà cung cấp của họ so với một năm trước, trước khi xảy ra cuộc xung giữa Nga và Ukraina đã làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt và đẩy giá lên cao hơn.

Dù giá đang giảm nhưng giá khí tự nhiên giao sau của châu Âu vẫn cao hơn 126% so với tháng 10/2021, thời điểm các nền kinh tế bắt đầu mở cửa sau đại dịch Covid-19.

Ngọc Phi (tổng hợp)