GDP quý II của Trung Quốc thấp hơn dự báo từ giới phân tích

11:10 15/07/2024

Các số liệu được đưa ra khi Bắc Kinh đang tìm cách củng cố niềm tin vào nền kinh tế tại Hội nghị trung ương 3, tuy nhiên các mục tiêu có vẻ đang "mâu thuẫn", như thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm nợ sẽ làm kế hoạch này gặp khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Số liệu sáng nay (15/7) cho thấy GDP Trung Quốc quý II tăng chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích.

Cụ thể, Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy GDP nước này tăng 4,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này thấp hơn quý I/2023 (5,3%) và cũng không đạt dự báo của giới phân tích trong khảo sát của Reuters (5,1%). Còn so với quý đầu năm nay, GDP Trung Quốc quý II tăng 0,7% và thấp hơn dự báo (1,1%).

"Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để vực dậy thị trường và kích thích động lực nội tại", thông cáo viết. NBS cũng kêu gọi "củng cố và tăng cường đà phục hồi kinh tế, nhằm đảm bảo phát triển bền vững".

Các số liệu này được đưa ra khi Bắc Kinh đang tìm cách củng cố niềm tin vào nền kinh tế tại Hội nghị trung ương 3, tuy nhiên các mục tiêu có vẻ đang "mâu thuẫn", như thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm nợ sẽ làm kế hoạch này gặp khó khăn.

“Tăng trưởng GDP có thể đạt 5,1% so với cùng kỳ trong quý II nhưng điều đó có thể không mang lại nhiều niềm tin. Nhu cầu trong nước yếu có thể tiếp tục đè nặng lên lạm phát và bắt đầu làm xói mòn sức mạnh sản xuất”, các chuyên gia phân tích tại Citi nói và thêm rằng: “Mọi sự chú ý có thể đổ dồn vào Hội nghị Trung ương 3 và cuộc họp Bộ Chính trị vào tháng Bảy này”.

Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,0% trong năm 2024, một mục tiêu mà nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, đầy tham vọng và có thể cần nhiều biện pháp kích thích hơn.

Để khắc phục nhu cầu trong nước yếu và hạn chế tác động từ khủng hoảng trên thị trường bất động sản, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và rót vốn vào sản xuất công nghệ cao.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không đồng đều trong năm nay, với sản lượng công nghiệp vượt xa mức tiêu thụ nội địa, gây ra rủi ro giảm phát trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái và nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng.

Trong khi xuất khẩu mạnh mẽ đã cung cấp một số hỗ trợ, căng thẳng thương mại leo thang hiện nay được xem là một rủi ro. Tháng 6 chứng kiến xuất khẩu tăng 8,6% so với năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 2,3%, cho thấy các nhà sản xuất có thể đang gấp rút đặt hàng để đi trước những rủi ro về thuế quan từ các đối tác thương mại.

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Pan Gongsheng, cam kết duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ và bày tỏ sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách khác nhau, bao gồm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, để hỗ trợ phát triển kinh tế. Các nhà phân tích dự đoán lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn 1 năm của Trung Quốc sẽ giảm 10 điểm cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống 25 điểm cơ bản trong quý III.

Đức Anh (t/h)