Dữ liệu mở của chính phủ là một nguồn tài nguyên lớn cần được khai thác hiệu quả

16:05 03/11/2022

Theo các chuyên gia, dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ, là một nguồn tài nguyên lớn cần được khai thác một cách hiệu quả. Tại Việt Nam, vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu và dữ liệu mở đã được đề cập trong nhiều chương trình, kế hoạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Dữ liệu mở là một trong những nội dung được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Báo cáo “Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử” của Liên Hợp Quốc những năm gần đây đã đề cập nhiều đến dữ liệu nói chung và dữ liệu mở.

Theo các chuyên gia, dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ, là một nguồn tài nguyên lớn cần được khai thác một cách hiệu quả. Có thể kể đến môt số lợi ích dữ liệu mở của cơ quan nhà nước mang lại như nâng cao tính công khai, minh bạch; thúc đẩy việc trao quyền cho mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức; góp phần cải thiện và tạo ra các dịch vụ và sản phẩm mới; tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo...

Tại Việt Nam, vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu và dữ liệu mở đã được đề cập trong nhiều chương trình, kế hoạch. 

Theo Nghị định số 47/2020/ NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của mình.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, sử dụng dữ liệu mở hoặc kết hợp dữ liệu mở với dữ liệu khác; sử dụng dữ liệu mở vào sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại của mình.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trích dẫn, ghi nhận thông tin sử dụng dữ liệu mở trong các sản phẩm, tài liệu liên quan có sử dụng dữ liệu mở.

Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu nguyên trạng như được công bố; không bao gồm các hình thức trình bày và các thông tin phát sinh từ dữ liệu mở đã được cung cấp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được bán dữ liệu mở đã được khai thác nguyên trạng từ cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác. Khi sử dụng dữ liệu mở trong sản phẩm, dịch vụ thương mại của mình phải cung cấp miễn phí dữ liệu mở kèm theo sản phẩm, dịch vụ thương mại đó.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước và đến năm 2030 mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ tháng 8/2020, Bộ TT&TT đã đưa vào vận hành Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn làm nền tảng, phương tiện triển khai quản trị dữ liệu quốc gia và mở dữ liệu Chính phủ cho xã hội, cộng đồng. 

Đến giữa tháng 8/2022, Cổng Data.gov.vn đã có hơn 10.600 tập dữ liệu, trong đó các chủ đề có nhiều tập dữ liệu lần lượt là xã hội với 9.989 tập dữ liệu, công nghệ (117), lao động (109), giáo dục (97). Các cơ quan cung cấp dữ liệu nhiều nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội với 10.045 tập dữ liệu, tiếp đến là Bộ TT&TT với 142 tập dữ liệu, Bộ LĐTB&XH (107), Bộ GD&ĐT (97), Bộ Y tế (65), Bộ TN&MT (50).

Bên cạnh đó, một số bộ, tỉnh đã có chủ trương cũng như xây dựng cổng dữ liệu mở. Đơn cử như, Cổng dữ liệu mở TP.HCM tại địa chỉ opendata.hochiminhcity.gov.vn; hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ data.thuathienhue.gov.vn; hay cổng dịch vụ dữ liệu của thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ congdulieu.vn...

Tuy nhiên thời gian qua, mhiều cơ quan chưa chủ động cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài. Tính đến hết quý III/2022, mới có 9% các bộ, ngành, địa phương cung cấp dữ liệu mở. Việc chậm cung cấp dữ liệu mở dẫn đến hạn chế sự tham gia của xã hội vào thúc đẩy chuyển đổi số.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các cơ quan, tổ chức chưa thực hiện mở dữ liệu là lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu, về quyền và trách nhiệm của cơ quan chia sẻ dữ liệu cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn, thông tin mạng.

Mặt khác, nhu cầu khai thác dữ liệu của các cơ quan, tổ chức khác thì cao nhưng yêu cầu cụ thể nội dung, mục đích thì còn lúng túng. Nhiều cơ quan muốn lấy toàn bộ dữ liệu của đơn vị khác dẫn đến sự phát sinh vấn đề cần giải quyết giữa khai thác, chia sẻ dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, phương án thu phí được từ dữ liệu để tái đầu tư, duy trì dữ liệu "sống"; đề xuất cơ chế, phương án kinh phí để duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm huyết mạch chia sẻ dữ liệu quốc gia được thông suốt và phát triển bền vững.

Minh Hà (t/h)