Dự án cầu Long Kiểng gần 600 tỷ sẽ kịp thông xe trước ngày lễ 2/9

21:34 16/06/2023

Dự án cầu Long Kiểng có tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 211 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 325 tỷ đồng.

Toàn cảnh cầu Long Kiểng và tuyến đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Hoàng Huy).
Toàn cảnh cầu Long Kiểng và tuyến đường Lê Văn Lương. 

Ngày 16/6, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự án cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè, sẽ hoàn thành cuối tháng 8, kịp thông xe trước ngày lễ 2/9.

Dự án cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè, được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001. Đến năm 2007, dự án mới giải phóng mặt bằng được một phần nhỏ trong giai đoạn 1.

Sau nhiều lần công trình tạm ngưng, tháng 8-2018 dự án tái khởi động và đến tháng 12-2019 lại tạm dừng do không có mặt bằng. Ngày 8-9-2022, UBND huyện Nhà Bè bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục thi công.

Hiện, dự án cầu Long Kiểng đạt tiến độ khoảng 80% và dự kiến hoàn thành, thông xe vào cuối tháng 8, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch dự kiến lần thứ 2 (tháng 12/2023).

Cầu Long Kiểng hiện đang thi công 2 hạng mục chính, gồm phần cầu và đường. Đối với phần cầu, đơn vị thi công hoàn thiện gờ lan can, lề bộ hành, bản quá độ.

Đối với phần đường, thi công kết cấu cấp phối đá dăm lớp trên, thi công bó vỉa, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng. Để kịp tiến độ, hiện trên công trường có 40 công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm.

Theo thiết kế, cầu Long Kiểng có chiều dài 318m, rộng 15m; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m, chiều rộng từ 18 - 29m cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng...

Dự án có tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 211 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 325 tỷ đồng. Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng là 2,6ha đất cần phải thu hồi liên quan đến 128 trường hợp, hộ dân.

Hiện tại, bên cạnh cầu Long Kiểng, nằm trên trục đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) còn có ba cây cầu khác là cầu Rạch Đĩa; cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi (cầu nối TP HCM với Long An).

Cả 4 cây cầu này hiện tại đều là cầu thép, bề rộng rất hẹp và đã xuống cấp; độ tĩnh không của các cầu này cũng không bảo đảm cho tàu thuyền lưu thông.

Tương tự cầu Long Kiểng, dự án cầu Rạch Đỉa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2001 và được duyệt điều chỉnh vào tháng 9/2017 nhằm thay thế cho cầu sắt hiện hữu đã xuống cấp, mặt cầu nhỏ hẹp chỉ 3m - 3,5 m gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Cầu mới sẽ dài gần 318 m (gồm cả cầu và đường dẫn khoảng 233 m), rộng hơn 10 m với tổng mức đầu tư hơn 512 tỉ đồng.

Trong khi đó, cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi đã có định hướng xây mới, đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt chính thức.

Cầu Long Kiểng khi hoàn thành và đi vào hoạt động, có thể xem là động lực để ba cây cầu còn lại sớm được triển khai xây dựng, nhằm đảm bảo lưu thông trên tuyến Lê Văn Lương.

Minh Anh (t/h)