Đông Nam Á đổ xô đầu tư vào thị trường 'bếp ảo'

08:37 13/10/2020

Dự kiến dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á sẽ bùng nổ trong năm năm tới và đạt con số 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, ngang với dịch vụ gọi xe. Không chỉ các ứng dụng gọi xe Grab hay Gojek cạnh tranh với nhau, giờ đây cuộc đua có thêm các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp. Nhưng cuộc đua tập trung vào phân khúc mới: bếp ảo.

Bếp ảo GrabKitchen ở Bangkok, Thái Lan. Ứng dụng gọi xe Grab hiện có 58 bếp ảo ở bốn nước Đông Nam Á - Ảnh: Nikkei Asia

Trước đó, thị trường giao đồ ăn ở khu vực đã đạt mức kỷ lục trong năm 2019 với giá trị lên đến 5,2 tỉ đô la, tăng 13 lần so với con số của năm 2015 – theo báo cáo do Google cùng hãng tư vấn toàn cầu Bain & Co. và quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore thực hiện.

Cuộc đua giữa các tập đoàn ẩm thực

Central Restaurants - thuộc tập đoàn đa ngành Central Group - khai trương bếp ảo đầu tiên ở quận Lad Phrao ở Bangkok hồi đầu tháng 7. “Bếp ảo sẽ tăng thêm sức mạnh của dịch vụ giao nhận, một thành tố quan trọng trong kinh doanh ẩm thực”, Chủ tịch Central Restaurants Nath Vongpanich nói.

Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh hàng đầu Thái Lan đặt mục tiêu 10 bếp ảo tại Bangkok trong năm nay để củng cố thế mạnh cạnh tranh của tập đoàn và đón bắt nhu cầu ngày càng tăng sau đại dịch. Tập đoàn dự kiến sẽ mở rộng đến 50 bếp ảo khắp Thái Lan vào năm 2022 và đạt con số 100 bếp ảo vào năm 2024 với tổng đầu tư 500 triệu baht, khoảng 16 triệu đô la.

Dịch vụ giao nhận đồ ăn ở Thái Lan có doanh số đến 35 tỉ baht, khoảng 1,1 tỉ đô la, và đang tăng trưởng nhanh chóng. Central Restaurants dự kiến sẽ đạt doanh số 1,5 tỉ baht ở mảng này vào năm 2024, tương đương với mức 10% doanh số hiện tại của họ.

Trong khi đó, theo dữ liệu của hãng phân tích TMB Analytics thuộc Ngân hàng Quân đội Thái Lan (TMB), người tiêu dùng Thái đang chuyển sang mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho dịch vụ giao nhận và bếp ảo phát triển. Những mảng dịch vụ này sẽ là động lực tăng trưởng chính của thị trường thương mại điện tử tại Thái Lan được dự báo tăng trưởng 19% và đạt giá trị 87,7 tỉ baht trong năm nay.

Central Restaurants hiện điều hành hơn 1.000 nhà hàng fast food bao gồm các thương hiệu KFC, Mister Donut, Cold Stone Creamery, Yoshinoya và Ootoya. Tập đoàn cũng hợp tác với chuỗi nhà hàng trong nước là Krua Khun Toi để sử dụng hết công suất dư dôi của nhà bếp Central để nấu các món của Krua Khun Toi. Tập đoàn lĩnh luôn khâu giao nhận. 

Và không chỉ Central Restaurants, chuỗi thức ăn nhanh Jollibee cũng nhanh chóng vào cuộc, theo Nikkei Asia. Trong báo cáo gửi Thị trường Chứng khoán Philippines hồi tháng 5, tập đoàn này cho biết sẽ đầu tư hơn 140 triệu đô la xây bếp ảo nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh toàn cầu”, đặc biệt tập trung vào thị trường lõi ở Philippines, Trung Quốc và Mỹ.

“Năm 2020 là một năm đầy thử thách với Jollibee bởi vì như tất cả các doanh nghiệp khác, trong giai đoạn đầy biến động này, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp, một tổ chức mạnh hơn trong năm 2021”, Chủ tịch Tony Tan Caktiong nhấn mạnh. Từ một tiệm bán kem do ông Caktiong làm chủ vào thập niên 1970, ngày nay Jollibee có hơn 3.300 cửa tiệm ở Philippines và hơn 2.600 tiệm ở nước ngoài với doanh số đạt hơn 5 tỉ đô la năm ngoái.

Tập đoàn thức ăn nhanh Jollibee dự kiến đầu tư 140 triệu đô la để tăng tính cạnh tranh của chuỗi tiệm fast food Jollibee ở Philippines, Trung Quốc và Mỹ - Ảnh: Reuters

Cuộc rượt đuổi giữa các startup

Grab khai trương nhà bếp ảo GrabKitchen đầu tiên ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào tháng 9-2018. Đến nay số lượng GrabKitchen đã đạt con số 58: đến 48 bếp ảo ở Indonesia, 3 ở Thái Lan, 2 ở Singapore và 2 ở TPHCM, theo đại diện của Grab tại TPHCM. Grab sẽ sớm khai trương bếp ảo ở Manila, Philippines trong năm nay.

Trong khi đó, theo DealStreetAsia đối thủ Gojek có 27 bếp ảo ở Indonesia và đặt mục tiêu có 100 bếp ảo ở Indonesia trong năm 2021.

Tuy không ngang sức vóc với Grab hay Gojek, nhưng nền tảng giao nhận Line Man của Nhật Bản ở Thái Lan tháng 6 vừa rồi cũng khai trương bếp ảo đầu tiên. Gần 20 nhà hàng đã thuê bếp trung tâm của ứng dụng này với khả năng phục vụ trong bán kính 25 cây số. “Sáng kiến này giúp chúng tôi tăng 30-50% đơn hàng quanh Bangkok” – theo lời Waranan Chuangcham – Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh của Line Man.

Nhưng ở các nền kinh tế năng động Đông Nam Á, qua một đêm cục diện thị trường đã đổi khác. Bên cạnh những “đại gia” là các tập đoàn lâu đời ở Đông Nam Á như Central Restaurants và Jollibee, đến các startup tỉ đô như Grab hay Gojek, thị trường luôn có những tay chơi mới xuất hiện.

Cuối tháng 9 vừa rồi, Yummy – công ty khởi nghiệp Indonesia với 70 bếp ảo ở thủ đô Jakarta và các tỉnh lân cận – cũng gọi được 12 triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm series B. Số vốn này phần lớn đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm SoftBank của Nhật Bản – nơi đã bơm nguồn vốn mạo hiểm giúp Grab và Gojek vươn vai thành khổng lồ.

Điều này có ý nghĩa gì? “Quy mô lớn chưa chắc là đã tốt. Nhà đầu tư mạo hiểm sẽ chia đều rủi ro ở khắp nơi và chọn mô hình tốt nhất còn tồn tại sau đại dịch”, trang tin KrAsia bình luận. Chi phí đầu tư ban đầu, tiền thuê mặt bằng và nhân công luôn là nỗi lo và sợ hãi của các nhà kinh doanh ẩm thực.

“Bếp ảo và bán hàng qua ứng dụng giải quyết tốt các bài toán nhức đầu đó. Tài hoa của người nấu bếp giờ lại là yếu tố quyết định thành công của chủ nhân thuê bếp”, Chiaki Kawamura – Giám đốc của Prime Business Consultancy chuyên tư vấn cho các cá nhân, công ty muốn bước vào kinh doanh ẩm thực ở Singapore – phát biểu.

Rickey Hồ