Điểm lại 10 sự kiện khoa học và công nghệ tiêu biểu trong năm 2023

09:36 26/12/2023

Mới đây, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KHCN) nổi bật năm 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Năm 2023 đã chứng kiến sự vận động không ngừng của ngành khoa học và công nghệ, với nhiều sự kiện nổi bật. Mới đây, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KHCN) tiêu biểu trong năm 2023.

Đây là năm thứ 18 hoạt động này được Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các phóng viên, biên tập viên chuyên theo dõi lĩnh vực KHCN của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

10 sự kiện KHCN Việt Nam nổi bật được bình chọn nhiều nhất gồm:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45-/NQTW “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” (ngày 24/11/2023).
Nghị quyết số 45-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước.
Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, văn học, nghệ thuật. Phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á...
2. Chính thức bàn giao quyền quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao Bộ KH&CN triển khai thực hiện
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao Bộ KH&CN triển khai thực hiện.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thuộc quyền quản lý của UBND TP. Hà Nội.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao Bộ KH&CN triển khai thực hiện và quản lý nhằm nâng cao tiềm lực KHCN quốc gia. Đây là khu Công nghệ cao đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1998. Trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 111.500 tỷ đồng...

Tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, UBND TP. Hà Nội sau khi tiếp quản Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần bảo đảm kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được, bảo đảm sự ổn định, tránh gián đoạn trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý. Đồng thời, Hà Nội cần huy động thêm các nguồn lực để tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, giữ vững vai trò quan trọng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030.

3. Phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm

Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm, có khả năng dịch thuật hai chiều giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ nghèo tài nguyên của khu vực Đông Nam Á với chất lượng tương đương với các sản phẩm thương mại nổi tiếng trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã có khả năng dịch hai chiều giữa các cặp ngôn ngữ bao gồm Việt - Lào, Việt - Khmer, Việt - Thái, Việt - Malaysia và Việt - Indonesia. Hệ thống được nghiên cứu phát triển dựa trên các tiến bộ mới nhất hiện nay trên thế giới trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói chung và dịch máy nói riêng.

4. Phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ

Cuối tháng 11-2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam) đã công bố “Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ”. Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, là chương trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Phối cảnh dựng 3D bộ mái điện Kính Thiên thời Lê.
Phối cảnh dựng 3D bộ mái điện Kính Thiên thời Lê.

Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng và thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

5. Làm chủ công nghệ sơn phản xạ nhiệt dùng vật liệu nano tự sản xuất trong nước

Năm 2023, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) phát triển thành công công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời. Hiện tại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo các phụ gia phản xạ nhiệt trên cơ sở vật liệu kích thước nano và ứng dụng chúng trong chế tạo sơn phản xạ nhiệt mặt trời hiệu quả cao. Sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời do Viện chế tạo đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nước ngoài và tương đương các sản phẩm nhập ngoại nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn đã được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng (mái nhà xây dựng, bồn bể chứa xăng dầu, tàu cá...).

Các sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời của Viện Kỹ thuật nhiệt đới (ký hiệu ITT) đã được phía Công ty SuzukaFine (1 trong 5 công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản, được thành lập từ 1948) thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K 5675. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu sơn phản xạ nhiệt mặt trời phát triển bởi Viện Kỹ thuật nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các loại sơn phản xạ nhiệt mặt trời thương mại trong nước và quốc tế.

6. Ghép tạng Việt Nam trở thành điểm sáng ghép tạng châu Á

Năm 2023, cả nước đã có thêm nhiều ca ghép tạng thành công trong đó có các ca được đánh giá lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Ghép đa tạng tim - thận: Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Bệnh nhân là T.T.Q (37 tuổi ở Tây Nguyên) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ tới 19 giờ cùng ngày. Sau 8 ngày, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.

Ca ghép tạng xuyên Việt: Ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, ngày 24/2, bệnh nhân M. (sinh năm 1988, ở An Giang) bị bạo bệnh, sắp rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã quyết định thực hiện di nguyện hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. Trung tâm Điều phối quốc gia đã điều phối tim đến Bệnh viện Việt - Đức, nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy lên chuyến bay, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo. Nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt - Đức cũng lên máy bay vào TPHCM để tiếp nhận và vận chuyển “trái tim” về Hà Nội. Đến 4 giờ sáng ngày 26/2, nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt - Đức đã rời Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển “quả tim” của người hiến ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt - Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, “trái tim” của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định đã được đưa đến phòng Hồi sức và tiếp tục theo dõi.

7. Phát triển hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn

Công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021, trải qua nhiều quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau, tại đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 9/2023, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ để xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.

8. Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới.

Tháng 11/2023, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech, thuộc Tập đoàn Viettel) công bố triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm. Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực. Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2023 Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 2/2023. Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.

Sự kiện trạm vô tuyến 5G được triển khai thành công trên mạng lưới thực Viettel được coi là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ lệ thuộc vào sự độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Trải qua quá trình vận hành với điều kiện môi trường thực tế và tải người dùng cao, đội ngũ kỹ sư Viettel High Tech liên tục tối ưu sản phẩm, tích hợp toàn bộ hệ thống phần cứng, phần mềm trạm gốc 5G 32T32R hoàn chỉnh, tích hợp với đầu cuối và mạng lõi 5G Viettel ở môi trường thực tế đạt tốc độ 850 Mbps. Đây là tốc độ tiện cận với sản phẩm cùng loại của các vendor lớn trên thế giới. Tuân theo tiêu chuẩn mở Open RAN, thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. Giải pháp này sẽ giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rộng, độ trễ thấp trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư và vận hành ở mức hợp lý. Sau quá trình đưa vào mạng lưới Viettel và đạt được thành công, Viettel sẽ đưa thiết bị vào mạng lưới của mình tại 11 thị trường đầu tư và sẵn sàng cung cấp cho các nhà khai thác khác trên toàn cầu.

9. Năm nhà khoa học Việt Nam vào bảng xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên năm 2023

Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, đã công bố xếp hạng Best Rising Stars of Science in the World 2023 Ranking - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới 2023. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người nước ngoài, gồm: GS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); TS Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), TS Thái Hoàng Chiến (trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), TS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 762) và TS Hoàng Nhật Đức (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).

10. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Ngày 28/10, cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Việc khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc và đưa cơ sở này đi vào hoạt động chính là nỗ lực của Bộ KH&ĐT quyết tâm đưa NIC trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NIC sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, NIC có các hoạt động liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là từ các đối tác Hoa Kỳ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thành lập NIC cơ sở Hoà Lạc là để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất. Hiện tại, NIC cùng các đối tác nước ngoài và trong nước đang tiến hành đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam; trong đó tập trung vào các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.

Minh Phương (t/h)