Để tăng năng lực xuất khẩu, ngành Dệt may Việt Nam cần chú trọng vào các sản phẩm Recycle (tái chế)

18:22 27/07/2023

Dệt may là một trong những ngành chủ lực, chiếm từ 12 - 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2022 đạt kim ngạch 44 tỷ USD tăng 8,8 % so với năm 2021.

Đây là ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, luôn giữ vai trò quan trọng và có đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp này, một trong các hoạt động mà Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam… đã tổ chức Hội chợ triển lãm SAIGONFABRIC SUMMER 2023 đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam về các hoạt động gần đây đối với lĩnh vực này.

Xin ông cho biết ý nghĩa của triển lãm SAIGONFABRIC SUMMER 2023 diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu dệt may Việt Nam đang trên đà tăng tốc cuối năm?  

Ông Vũ Đức Giang: Hội chợ lần này giải quyết được 5 vấn đề lớn cho ngành Dệt may Việt Nam. Thứ nhất, đây là hội chợ nguyên phụ liệu đầu tiên chuyên cho phụ liệu, nó tạo ra kênh thông tin cho các nhà sản xuất và các nhãn hàng. Đặc biệt là tạo ra kênh thông tin cho các nhà thiết kế thời trang có được các ngoại nguyên phụ liệu đang cần mà ở Việt Nam đang thiếu. Thứ hai là hội chợ triển lãm lần này cũng định hình lại trong giải pháp chiến lược phát triển bền vững các sản phẩm Recycle (vải tái chế) mà các nước nhập khẩu họ đặt ra với ngành Dệt may Việt Nam- đây là một trong những điều tôi đánh giá cao. Tại triển lãm sẽ có một số gian hàng có sản phẩm Recycle, là một xu thế mà tôi cho rằng rất quan trọng. Thứ ba là hội chợ lần này cũng tạo ra được một kênh cho những liên kết chuỗi giữa những nhà sản xuất sợi, dệt nhuộm và những nhà sản xuất may. Bởi vì, nếu chúng ta không tạo ra những kênh thông tin như thế này thì khó có được một giải pháp có tính ổn định và tính bền vững. Vấn đề thứ tư mà tôi cho rằng điều kiện cần và đủ, đó là hội chợ cũng là những bước đi trong chiến lược phát triển định hình của định hướng phát triển của chính phủ đặt ra cho ngành Dệt may Việt Nam và ngành Da giày. Đây là một xu thế tất yếu mà không chỉ ở hội chợ lần này, sang năm 2024 chúng ta sẽ tiếp tục triển khai những hội chợ triển lãm tương đương như thế này với những dòng sản phẩm mới. Vấn đề thứ năm hết sức quan trọng, đó là giải pháp đối với nhận diện của các nhãn hàng vào thị trường ngành Dệt may Việt Nam, đặc biệt là sự nhìn nhận của các nước nhập khẩu khi họ thấy rằng chúng ta liên tục tổ chức các hội chợ để đưa ra các kênh thông tin, đưa ra các dòng sản phẩm nguyên phụ liệu để các nhãn hàng, người mua hàng có thể quyết định chọn thị trường cho sự phát triển những dòng sản phẩm sản xuất ở thị trường Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường của họ.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp Việt hiện nay cũng như các khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh và các giải pháp trong thời gian tới?

Ông Vũ Đức Giang: Để phát triển hàng dệt may Việt Nam bền vững và xanh hóa thì các giải pháp và xu thế mà chúng ta đang đặt ra đó là: Thứ nhất, chúng ta đã đầu tư vào phát triển bền vững, phát triển xanh hóa, chúng ta đầu tư bằng cơ sở hạ tầng, đầu tư vào trang thiết bị, đầu tư vào môi trường làm việc cho người lao động và đầu tư vào công nghệ và kiểm soát phát triển bền vững trong ngành Dệt may Việt Nam trong suốt một chặng đường trong 7 năm vừa qua, đặc biệt là 5 năm gần đây. Vấn đề thứ hai, trong quá trình triển khai phát triển bền vững trong thời gian gần đây đặt ra những thách thức liên quan đến vấn đề tài chính cho đầu tư phát triển bền vững. Thách thức về đảm bảo khả năng thích ứng, Luật môi trường Việt Nam cũng như đảm bảo khả năng về thích ứng được với các điều khoản trong các Hiệp định thương mại của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, với thách thức về những rào cản kỹ thuật mà một số nước khác đưa ra sau Hiệp định thương mại, đây là một trong những cái khó nhất vì liên quan các vấn đề dòng sản phẩm Recycle, và bây giờ họ đưa ra tỷ lệ phần trăm Recycle vào trong đó là như thế nào trong điều kiện sản phẩm xuất khẩu vào thị trường của họ. Vấn đề thứ ba là tỷ lệ đã thành công, chúng ta có rất nhiều nhà máy đã đầu tư các chuẩn mực sản phẩm bền vững như môi trường xanh, môi trường sạch, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, năng lượng tái tạo, đặc biệt là môi trường làm việc. Ví dụ như tháng 11/2023 tới đây, chúng tôi sẽ mời các Đại sứ EU và các tổ chức các cộng đồng doanh nghiệp EU đi thăm nhà máy Việt Nam 100% của chúng ta tại Công ty may Tân Đệ, tỉnh Thái Bình. Nhà máy này có 19.500 lao động, nhìn nhà máy từ bên ngoài như một khu rừng trong một đồng bằng nhưng khi vào trong các bạn sẽ thấy nhà máy. Tôi cho rằng, đây là một trong những nhà máy hàng đầu thế giới, là mẫu hình cần nhân rộng ra trong các doanh nghiệp.

Những nhà máy đã đạt chứng chỉ của Mỹ, châu Âu hay của Nhật và các chứng chỉ khác của các tổ chức quốc tế thì chúng ta mới có được sự ổn định của các đơn hàng. Nếu chúng ta không có được những chứng chỉ đó thì làm sao có được những đơn hàng ổn định. Như vậy là trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một nỗ lực cực kỳ lớn của ngành, tất cả những chỉ số tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh hóa, là một điểm cộng cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Kỳ vọng cho đến cuối năm 2023 đưa mục tiêu xuất khẩu 40 - 41 tỷ USD.
Kỳ vọng cho đến cuối năm 2023 đưa mục tiêu xuất khẩu 40 - 41 tỷ USD.

Vậy theo ông đánh giá, tỷ lệ tiêu chuẩn hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam để đạt được các tiêu chuẩn như Recycle hay tiêu chuẩn xanh được chứng nhận thì đạt được bao nhiêu %?

Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng Việt Nam đang là một đất nước bắt đầu đầu tư vào việc triển khai các sản phẩm Recycle rồi, các nước châu Âu cũng đang đặt ra vấn đề này nhưng họ không đưa cho chúng ta một áp lực quá lớn mà là đưa ra từng năm một để chúng ta đưa vào dòng sản phẩm để thích ứng với điều kiện của họ. Ví dụ như hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được khoảng 15 - 18% các sản phẩm Recycle rồi. Đây là những yếu tố tôi cho rằng chúng ta thích ứng kịp, nếu không thích ứng kịp thì chúng ta không có đơn hàng, đó là điều chúng ta phải xác định. Vậy thì phát triển xanh ở đây phải có những ý như sau: Đối với các nhãn hàng đặt ra thì sản phẩm xanh, sản phẩm phát triển bền vững nó chỉ là một tiêu chuẩn hay sản phẩm Recycle cũng là một tiêu chuẩn. Còn lại là vấn đề giá chúng ta phải cạnh tranh được, thời gian giao hàng phải đáp ứng được và chất lượng chúng ta phải tuân thủ được với các nhãn hàng đó thì mới có được ổn định các đơn hàng. Mục tiêu 2024 ngành Dệt may Việt Nam đưa ra khả năng xuất khẩu được 39,5 - 40 tỷ USD, đó là mục tiêu chúng ta có thể thực hiện được. Bởi vì để làm được điều đó, chúng ta cần nỗ lực cực kỳ lớn. Ở đây có 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là cộng đồng các doanh nghiệp của chúng ta chịu áp lực khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 nhưng đã tìm ra nút thắt để đa dạng hóa thị trường. 7 tháng đầu năm 2023, chúng ta đã xuất khẩu vào 77 thị trường trên toàn cầu. Đây là một nỗ lực cực kỳ lớn. Vấn đề thứ hai là chúng ta đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Vấn đề thứ ba là chúng ta thích ứng nhanh với các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn và chất lượng đòi hỏi khắt khe hơn thì cộng đồng doanh nghiệp đã thích ứng rất nhanh. Và chúng tôi kỳ vọng năm nay sẽ đưa mục tiêu xuất khẩu 40 - 41 tỷ USD là một con số chúng ta có thể đạt được.

Xin ông cho biết thêm quan điểm riêng của mình về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) vừa ký vào ngày 25/7/2023 vừa qua, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường xuất khẩu ở thị trường này?

Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng Hiệp định vừa ký với Israel là một Hiệp định hoàn toàn mới, dân số Israel nhỏ và họ kỳ vọng đưa nền nông nghiệp của họ vào Việt Nam, còn chúng ta đưa vào họ một số ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp dệt may, da giày và thị trường này cũng là một thị trường tiềm năng nhưng chúng tôi không đặt vấn đề quá lớn vào thị trường này. Mỹ vẫn là thị trường số một đối với ngành Dệt may Việt Nam, bởi vì Mỹ chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam trong những năm vừa qua.

Xin cám ơn ông đã chia sẻ.

 Uyển Nhi thực hiện