Đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

14:14 26/04/2022

Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa
 Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tư pháp, Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng cho phù hợp với thực tiễn phát triển nghề công chứng ở Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong quá trình áp dụng, thực thi luật thời gian qua như: Chất lượng của một bộ phận công chứng viên còn hạn chế; bên cạnh đó, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng chưa bảo đảm yêu cầu phân bố hợp lý, hoạt động ổn định và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động hành nghề của công chứng viên; Việc đồng thời tồn tại hoạt động công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng vốn quy định còn khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực có nguy cơ tạo rủi ro cho việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được chứng thực; Trình tự, thủ tục công chứng còn nhiều điểm không phù hợp; chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số; Công tác quản lý nhà nước, tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn hạn chế.

Bộ Tư pháp cho biết, trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế là rất cần thiết.

PV