Cục thuế Phú Thọ đẩy mạnh hiệu quả thu thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn

16:27 02/06/2021

Hộ kinh doanh (HKD) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Do vậy, để quản lý thuế HKD có hiệu quả, công bằng, công khai, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu tuyên truyền, quản lý kê khai đến kiểm tra xử lý vi phạm đối với hộ kinh doanh trên địa bàn.

Một hộ kinh doanh chấp hành tốt nghĩa vụ thuế tại Phú Thọ
Một hộ kinh doanh chấp hành tốt nghĩa vụ thuế tại Phú Thọ.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 20.765 HKD, với tổng thuế thu được năm 2020 đạt trên 47,8 tỷ đồng (tăng 111% so với năm 2019). Để quản lý thuế hiệu quả đối với các HKD, Cục Thuế tỉnh đã triển khai công tác rà soát, công tác lập bộ đầy đủ theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, đảm bảo 100% hộ có kinh doanh trên địa bàn đều có mã số thuế được quản lý theo quy định. Đối với các địa bàn có biến động trong năm như người nộp thuế mới ra kinh doanh, hộ kinh doanh thay đổi địa bàn, người nộp thuế ngừng/nghỉ kinh doanh, đều được các Chi cục Thuế lập danh sách và đưa vào quản lý đầy đủ.

Công tác chống thất thu được Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế áp dụng theo từng địa bàn, từng lĩnh vực như: Chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi nợ đọng trên địa bàn huyện Thanh Sơn; chống thất thu hộ kinh doanh vận tải tại địa bàn huyện Tam Nông, Thanh Thủy; chống thất thu ngành nghề kinh doanh ăn uống, thương, mại, dịch vụ.... Ngoài ra, các Chi cục Thuế cử cán bộ tham gia đầy đủ các Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi nợ đọng trên địa bàn huyện, thành, thị. Tiền thuế thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, từ năm 2017, tổng số thuế thu được là 1,87 tỷ đồng, sau khi công tác chống thất thu các hộ được đưa vào quản lý đã tăng lên 12,3 tỷ đồng năm 2020. 

Theo quy định, HKD cá thể, hộ khoán, cửa hàng kinh doanh, cá nhân kinh doanh đều phải nộp thuế môn bài hằng năm còn hộ, cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ % trực tiếp. Trong đó, HKD cá thể phân phối, cung cấp hàng hoá là 1%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 5%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 3%; hoạt động kinh doanh khác là 2%. Thời hạn nộp thuế theo quý (chậm nhất là ngày 30 tháng đầu tiên của quý sau). Ngoài ra, trong trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng vẫn phải nộp thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, công tác quản lý thu thuế cũng như kết quả thu từ lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Số thu thuế chưa tương xứng với thực tế hoạt động kinh doanh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với HKD, do cơ chế chính sách là tự kê khai doanh thu, kinh doanh manh mún không có sổ sách, chứng từ, hóa đơn theo pháp luật, ý thức chấp hành còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý hộ kinh doanh, cũng như điều tra khảo sát doanh số của hộ kinh doanh chưa thực sự sát với thực tế. Những người nộp thuế không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, rất khó lập bộ quản lý, ví dụ như các HKD vận tải, thường vắng mặt tại địa chỉ cư trú, không hợp tác kê khai, không kê khai sát doanh thu vận thực nhận. Công tác thu thuế không sử dụng biên lai mới áp dụng được trên 3/13 huyện, thành, thị, một số địa bàn chưa áp dụng được do chưa nhận được sự phối hợp của người nộp thuế, một số địa bàn có khoảng cách xa với kho bạc hoặc có ít địa điểm giao dịch của ngân hàng thương mại… 

Cán bộ thuế tỉnh Phú Thọ hướng dẫn HKD nột thuế
Cán bộ thuế tỉnh Phú Thọ hướng dẫn HKD nột thuế.

Để tăng cường quản lý thuế đối với HKD, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ và các Chi cục Thuế đang tiếp tục rà soát nguồn thu, công tác lập bộ để chống thất thu và quản lý nợ, xử lý nợ thuế, giảm nợ đọng thuế góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, thông tin của HKD để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để người nộp thuế khắc phục khó khăn ổn định sản xuất - kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Ông Nguyễn Đức Việt - Trưởng phòng Quản lý Hộ cá nhân kinh doanh và Thu khác cho biết: Ngành Thuế tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý cá nhân ngừng, tạm ngừng kinh doanh, phát sinh kinh doanh; quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng tư nhân, kinh doanh lưu trú, cho thuê tài sản… Đồng thời, khai thác triệt để các nguồn thu không thường xuyên như: cơ sở kinh doanh lưu động, vận tải, kinh doanh mùa vụ, cho thuê nhà, dịch vụ du lịch lữ hành, hoạt động khai thác khoáng sản... Cơ quan Thuế còn thường xuyên theo dõi, kiểm tra xác định mức doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn đối với cá nhân kinh doanh ở một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trọng điểm để bảo đảm việc quản lý thuế đúng chính sách. Tiếp tục chỉ đạo các đội thuế xã, phường khảo sát các hộ có doanh thu dưới quy định, đặc biệt những hộ nhiều năm chưa quản lý thuế để đưa vào quản lý thuế đúng quy định.

“Cùng với đó, ngành Thuế đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ HKD về thuế qua nhiều hình thức, trong đó phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kịp thời chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung cho người nộp thuế, nhất là hộ mới kinh doanh, đối thoại với người nộp thuế để giải đáp kịp thời những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế” - ông Việt cho biết thêm.

PV