Phú Thọ đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề

16:42 01/06/2021

Với nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, những năm gần đây các làng nghề trong tỉnh Phú Thọ đã có hướng phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, để làng nghề phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, thì việc phát triển “mô hình kép” doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong các làng nghề là một xu hướng tất yếu nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; làng nghề thủ công mỹ nghệ; làng nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh. Các làng nghề nông thôn của tỉnh đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm.

Tại làng nghề mộc Vân Du, xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, mô hình doanh nghiệp phát triển trong làng nghề mới chỉ xuất hiện 2 năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện có 3 doanh nghiệp hoạt động ổn định trong làng nghề là Công ty TNHH chế biến gỗ Phúc Lộc, Công ty chế biến lâm sản Phúc Đại Thành và doanh nghiệp tư nhân Vân Du. Các doanh nghiệp đã đưa sản phẩm của làng nghề ra nhiều thị trường lớn, trở thành cầu nối trong việc đặt hàng, góp phần tạo dựng thương hiệu sản phẩm uy tín, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giải quyết việc làm ổn định tại chỗ cho nhiều người dân trong xã.

Ông Nguyễn Thành Đô – Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đại Thành cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng việc tìm tòi mẫu mã, đa dạng các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Công ty thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động, duy trì ổn định khoảng gần 20 lao động thường xuyên, cho thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người. Doanh thu của công ty trung bình từ 2-3 tỷ đồng/năm”.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất của một số làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún, khả năng huy động vốn hạn chế. Sản phẩm của làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sự liên kết các cơ sở trong làng nghề còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội tiêu. Để giải quyết “nút thắt” này, một số HTX, doanh nghiệp đã được thành lập trên nền tảng làng nghề, tập trung các nguồn lực về vốn, kiến thức kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm của làng nghề, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, được ứng dụng các tiến bộ khoa học – kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

Làng nghề Sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ từ khi thành lập HTX đến nay đã hoạt động hiệu quả, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, các hộ trong HTX được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ máy móc, phân vi sinh, máy hút chân không…, tạo lập nhãn hiệu tập thể, có dán tem truy suất nguồn gốc. Đến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm, sản phẩm chè xanh của các thành viên trong HTX có giá bán cao gấp 3 lần so với trước khi vào HTX, bình quân từ 250.000 – 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh chia sẻ: “Các thành viên trong HTX cùng giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cải tiến kỹ thuật chế biến để đạt tiêu chuẩn chè loại 1, chú trọng tìm kiếm thị trường. Qua đó, thành viên tham gia HTX có thêm các cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”. 

Một doanh nghiệp tại làng nghề mộc Vân Du, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ)
Một doanh nghiệp tại làng nghề mộc Vân Du, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để phát triển HTX, doanh nghiệp trong làng nghề khi có sự cạnh tranh thị trường của nhiều loại sản phẩm giá rẻ, vốn vay lãi suất còn cao, nhiều hộ sản xuất trong HTX chưa được áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất… Muốn duy trì làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả, trước hết cần đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách dành cho HTX và doanh nghiệp. Cần có cơ chế ưu đãi về thuế, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng đối với các HTX và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề. Có như vậy mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.  

PV