Công cuộc chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại hóa

15:45 08/01/2022

Đây cũng là nội dung chính tại Hội thảo Quốc tế Mô hình Kinh tế Nông nghiệp và Khu dân cư Nông thôn Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra tại Thái Bình vào ngày 8/1. Tại Hội thảo, các diễn giả đã đưa ra những đánh giá rằng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình đổi mới

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm sâu sắc và coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá X đã xác định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá , xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Với tầm nhìn đó, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống, vai trò, vị trí của giai cấp nông dân và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Nông nghiệp đến nay luôn có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trong quá trình đổi mới, nông nghiệp góp phần đáng kể vào những thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam. Trong hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc, Việt Nam đặt mục tiêu đưa nông nghiệp đi theo quỹ đạo xanh, phát thải thấp để đóng góp, cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Tầm nhìn đó sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam giảm chi phí, sử dụng ít đầu vào và tài nguyên, tạo ra tích hợp đa giá trị, qua đó, khẳng định vị thế quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, nhà cung ứng lương thực thực phẩm phải tuân theo quy tắc ‘Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững’.

Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một nước có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực thế giới. Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm, tức là gần 10% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và được xếp hạng là quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Tính theo khối lượng, Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu hàng đầu thế giới, đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê sau Brazil. Việt Nam cũng ở trong top dầu thế giới về xuất khẩu thủy sản, rau quả và sản phẩm gỗ. Khoảng một nửa tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu, mang về cho đất nước hơn 40 tỷ USD/năm trong những năm gần đây. Nông nghiệp không chỉ phục vụ 100 triệu dân nước ta mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Lê Minh Hoan -  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nền tảng vững chắc để bảo vệ đất nước mỗi lúc gặp khó khăn. Từ những khó khăn giai đoạn đầu đổi mới cho đến khủng hoảng kinh tế Đông Á cuối những năm 1990, khủng hoảng tài chính thế giới những năm 2010 hay đại dịch Covid-19 hiện nay, nông nghiệp góp phần bảo đảm an ninh lương thực, giảm bớt áp lực lạm phát, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nhờ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn tăng trưởng. Nông thôn là nơi trở về an toàn, bảo đảm sinh kế cho lao động nông thôn di cư ra thành phố. Hơn thế, nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc, giữ gìn biên cương của Tổ quốc”.

Mảng tối trong bức tranh chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức.

Năng suất và sản lượng nông nghiệp trong 3 thập niên qua luôn tăng trưởng. Việt Nam đã trở thành hình mẫu của thế giới về tăng trưởng nông nghiệp, đặc biệt về nguồn cung lúa gạo trong nước. Đó là kết quả của định hướng theo mục tiêu tăng năng suất và sản lượng. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm và đi kèm theo đó là những lo ngại về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc tăng sản lượng nông nghiệp được tạo ra thông qua sử dụng nhiều hơn các nguồn tài nguyên, bao gồm các đầu vào vô cơ như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nước. Do đó, theo ông, lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp đã tăng lên, chiếm 18% tổng lượng phát thải của Việt Nam và dự kiến sẽ đạt trên 120 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Trong một kịch bản thông thường, một nửa số phát thải này sẽ đến từ sản xuất lúa gạo.

Hiện nay, vấn đề đầu ra cho nông sản là bài toán đã được đặt ra từ lâu song vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Bàn về điều này, ông Hoan chia sẻ thêm: “Được mùa mất giá như một điệp khúc hằng năm khi vào chính vụ, giải cứu như một lời nguyền có tính chu kỳ. Nông nghiệp nước ta có ba đặc điểm, cũng là ba điểm nghẽn khi chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó là: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, canh tác tự phát. Ba thách thức đó làm cho chuỗi liên kết bị rời rạc, con đường đưa nông sản đến thị trường mong manh, dễ bị đứt gãy khi có biến cố xảy ra. Cũng từ ba đặc điểm đó, dữ liệu về nguồn cung không dễ được tích hợp một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong cùng một thời điểm, một mùa vụ ở mọi cấp độ: địa phương, tiểu vùng, quốc gia. Thiếu dữ liệu nguồn cung về sản lượng, chủng loại dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, khiến thông tin đầu vào cho thị trường thường mơ hồ, chỉ mang tính ước đoán. Từ đó, dẫn đến tình trạng sản xuất mù, bán mù, mua mù”.

ông Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung Ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Ông Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Bàn về những thách thức hiện nay, tại Hội thảo, ông Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ: “Biến đổi của kinh tế và xã hội nông thôn chứa đựng cả mặt thuận chiều và mặt nghịch chièu, tích cực và tiêu cực. So với mặt bằng chung của cả nước, trình độ phát triển kinh tế khu vực nông thôn vẫn thấp hơn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo. Sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh; tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn tồn tại ở nhiều nơi, chưa dễ gì chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn; đời sống một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là khi gặp bất lợi của thị trường, thời tiết. Biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp; có mặt do tính cực đoan của tự nhiên, có mặt do con người gây nên, mà nông nghiệp, nông thôn vẫn là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Như một tất yếu, cũng theo ông Huấn, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang “hút” một lực lượng lớn lao động khỏi nông nghiệp, nông thôn và đương nhiên nhiều làng quê giờ chỉ còn lại phần lớn là người già, trẻ em, thiếu lao động trẻ, lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản đủ năng lực chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn bền vững, xây dựng nông thôn bền vững, xây dựng nông thôn mới văn minh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ

Có thể thấy, các động lực của tăng trưởng nông nghiệp đều đứng trước nguy cơ suy kiệt nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa trên sản lượng. Để khắc phục, cần đến một hệ thống các giải pháp vừa mang tính đồng bộ, vừa mang tính bền vững, lâu dài, nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, với khát vọng lớn hơn, cách làm bài bản về bền vững hơn.

Trước những yêu cầu đó, ông Cao Đức Phát – nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chính bao gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sinh thái trên tất cả các mặt như trồng trọt, chặn nuôi, với thủy sản, với lâm nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị bền vững, phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thi hóa.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ nông dân văn minh, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, phát triển khoa học công nghệ thực sự trở thành động lwujc then chốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; nông nghiệp nông thôn chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ sáu, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.

Có thể nói, phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống của nông dân là sự nghiệp to lớn, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045 do Đảng đề ra. Để làm điều đó cần có quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đổi mới và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Bảo Trinh - Phan Thu