Chuyển đổi số trong logistics - phao cứu sinh giúp doanh nghiệp bứt phá sau đại dịch

16:05 12/04/2022

Logistics là ngành dịch vụ trọng yếu, có giá trị gia tăng cao và là nền tảng của thương mại cũng như xương sống của nền kinh tế nói chung. Với sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Logistics có rất nhiều cơ hội để bứt phá nếu đẩy nhanh việc chuyển đổi số. Nếu không sớm đón đầu xu hướng, doanh nghiệp Logistics Việt Nam khó có thể tồn tại và cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Hiện nay, thị trường logistics tại Việt Nam đã có sự tham gia của hơn 4000 doanh nghiệp, trong đó có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 20% thị phần, còn lại 80% dòng chảy hàng hoá này thuộc về các công ty ngoài nước. Chi phí logistics tại Việt Nam còn rất cao (chiếm 20.9% GDP) cùng tỉ lệ giao hàng không thành công nằm ở mức 10% cho thấy các mô hình vận chuyển logistics truyền thống tại Việt Nam đang dần trở nên lạc hậu. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), Covid-19 là nguyên nhân chính khiến 15% doanh nghiệp logistics bị giảm tới 50% doanh thu, và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ trong nước và quốc tế từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, ngành logistics đã phải chịu ảnh hưởng khá nặng nề vì bối cảnh dịch bệnh.

Việc chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang dần trở thành xu hướng và còn là giải pháp giúp các doanh nghiệp phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Logistics tại Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đang trên đà phát triển. Do tác động của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó các hoạt động logistics - “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử và khai thác khá hiệu quả phương thức vận hành hậu cần trực tuyến (e-logistics). Điều này cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp cấp thiết với các doanh nghiệp logistics. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp cấp thiết đối với các doanh nghiệp logistics.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp cấp thiết đối với các doanh nghiệp logistics.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics là điều tất yếu. Nó không chỉ nằm ở những thay đổi đơn lẻ mà đòi hỏi chiến lược và kế hoạch tổng thể, với sự tham gia của công nghệ và điện toán đám mây. Giữa thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc tối ưu hóa các giải pháp ứng dụng công nghệ hỗ trợ vận tải, kết nối cung-cầu giữa chủ hàng, lái xe, chủ xe, các nhà phân phối và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng là hoàn toàn cần thiết. Việc này sẽ giúp thúc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tối ưu chi phí, tiết kiệm thời gian và mang lại nhiều giá trị cho khách hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Chuyển đổi số đang là nhu cầu khách quan và mang tính cấp thiết đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam. “Số hoá” là việc biến đổi các giá trị thực sang số, còn “Chuyển đổi số” là việc sử dụng các công nghệ như AI, Big Data,... để phân tích, biến đổi sau khi các dữ liệu được số hoá. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa.

Đại diện VLA khuyến nghị ngành logistic cần triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749. Để thực hiện được điều này, VLA kiến nghị nhà nước hỗ trợ việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn và sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại và quản trị kĩ thuật số, thuế công nghệ nhằm khuyến khích phát triển.

Khánh Hà