Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước

07:52 23/08/2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm, nên đến giữa tháng 8 này Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn hơn 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại và gần 400.000m3 dầu thô.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước. Cụ thể là giải quyết khó khăn, kiến nghị của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đặc biệt là thời điểm chúng ta đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Giảm nhập khẩu nguyên liệu xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn tiếp tục ổn định sản xuất, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, Việt Nam chi hơn 57.200 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu, tính trung bình mỗi tháng hơn 8.170 tỷ đồng. Thay vì phải chi hơn 8.000 tỷ đồng/tháng cho nhập khẩu xăng dầu thì các đầu mối thương nhân trong nước cần hợp tác để sử dụng, tiêu thụ tối đa lượng xăng dầu sản xuất trong nước có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Như vậy, cũng góp phần giảm chỉ tiêu ngân sách và tình trạng nhập siêu của Việt Nam.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới bùng phát và diễn biến rất phức tạp. Hầu hết các tỉnh, thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh phía nam và một số tỉnh miền Trung- Tây Nguyên phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong một thời gian dài, khiến sản lượng xăng dầu tiêu thụ giảm mạnh. Đây là những thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất trong nước, chiếm 60 - 70%. Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố nêu trên, nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ xăng dầu nói chung và sản phẩm của NMLD Dung Quất nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, cho biết: Trước những khó khăn trên, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp như giảm công suất nhà máy xuống còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ ngày 3/8 (trước đó đã giảm công suất 98% công suất). Đồng thời, gửi kho 25.000 m3 xăng RON95 và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000-120.000 m3 ngay trong tháng 8 để bảo đảm duy trì vận hành nhà máy. Hiện nay công ty phải đối mặt với rủi ro không còn sức tồn chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường hầu như đã đầy, dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Nhận thấy thị trường đang rất khó khăn về tiêu thụ xăng dầu, BSR tập trung và chuyển hướng sang sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu. Hiện tại, phân xưởng Polypropylene đang vận hành ở công suất 115%. BSR đã đưa ra thị trường các sản phẩm hạt nhựa PP mới như T3045, Homo PP Yarn T3050, I3085 và I3150 và được khách hàng đánh giá rất tốt. Các sản phẩm hạt nhựa PP truyền thống như T3034 và I3110 đã được khách hàng đánh gía cao, ổn định hơn so với các sản phẩm ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,…

Đại diện (BSR) cho biết thêm; thực tế, trong tháng 7/2021, khách hàng của BSR cam kết nhận hàng vẫn ở mức trên 70% nhu cầu thị trường, nhưng do diễn biến dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ giảm xuống chỉ còn hơn 30%. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối. Vì vậy, ngay từ lúc này, các bộ, ngành trung ương cần đánh giá nhu cầu thực của thị trường, để có sự điều tiết vĩ mô và cân đối lượng hàng nhập khẩu cho phù hợp.

Trước những kiến nghị của (BSR) Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, khẳng định, Vụ Thị trường trong nước đã đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về việc bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong nước căn cứ vào nhu cầu sản xuất - kinh doanh thực tế tại đơn vị để điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Vụ Thị trường trong nước sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu.

Được biết, trong giai đoạn 2010 - 2020, mỗi năm, NMLD Dung Quất đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 11 nghìn tỷ đồng.  Dự báo những tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương trong nước tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. Điều này làm cho nhà máy phải giảm công suất, sẽ có khả năng sản xuất không đạt sản lượng đề ra. Qua đó, nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi từ NMLD Dung Quất cũng bị ảnh hưởng lớn.

Vì vậy, việc kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi trong việc điều tiết vĩ mô hoạt động kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn đặc biệt khó khăn là việc làm hết sức bình thường, chính đáng, nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, cũng như thể hiện đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

 Trọng Tâm