Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thăm, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Ba, Phù Ninh

18:50 21/08/2021

Chuyến công tác đầu tiên của nhiệm kỳ mới, ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Ba, Phù Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Ba
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Ba.

Tại huyện Thanh Ba, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực của huyện trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng chỉ đạo của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ huyện đã chủ động ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian tới, đồng chí yêu cầu Thanh Ba cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xác định các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển theo vùng. Tập trung xác định và chỉ đạo một số sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc trưng của huyện, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng dụng công nghệ cao, nâng cao quy mô, năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

Chủ tịch tỉnh Phú Thọ lưu ý việc xây dựng sản phẩm OCOP của huyện phải đi vào thực chất. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, không làm theo kiểu hô hào, khẩu hiệu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

“Trong thực hiện, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy người dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác làm nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững” - đồng chí nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đồng chí yêu cầu huyện Thanh Ba cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho ý kiến chỉ đạo cụ thể vào các kiến nghị của huyện liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 05 đối với các dự án liên kết; xây dựng nông thôn mới; cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Trước đó, ông Bùi Văn Quang cùng đoàn công tác đã thăm, kiểm tra thực tế tại HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ Đỗ Xuyên, mô hình trồng nho Hạ Đen xã Chí Tiên và mô hình trồng chuối tại xã Mạn Lạn, Đỗ Sơn; thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Ngân Hà (thị xã Phú Thọ). Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, gắn với thị trường... theo hướng bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân trên địa bàn huyện vẫn đạt 4,2%/năm; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 97 triệu đồng; các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt bình quân 150 - 250 triệu đồng; diện tích cánh đồng lớn gieo cấy lúa lai, lúa chất lượng cao với quy mô từ 10ha trở lên chiếm 68% diện tích gieo cấy; một số diện tích đất canh tác được liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm...

Trên địa bàn huyện có 57 trang trại, trên 2.000 gia trại, 12 hợp tác xã, 33 tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp đã và đang tập trung phát triển theo hướng liên kết để sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, giải quyết cho trên 2.000 lao động thời vụ tại các địa phương.

Huyện đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển rừng sản xuất; liên kết trồng, sản xuất và chế biến chè búp tím với 17ha tại xã Hanh Cù; sản xuất tiêu thụ gà thương phẩm...; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND của HĐND huyện về hỗ trợ thâm canh cây chè hướng tới sản xuất chè xanh chất lượng cao an toàn; trồng mới, thâm canh bưởi theo hướng hàng hóa; xây dựng các mô hình, dự án nông nghiệp sản xuất theo hướng liên kết để sản xuất... 

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo huyện Phú Ninh
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo huyện Phú Ninh.

Về triển khai chương trình OCOP, đã có 18/18 xã đăng ký sản phẩm OCOP với 30 sản phẩm đặc thù. Toàn huyện đã có 14/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt trên 18 tiêu chí/xã. 4 xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận nông thôn mới trong năm 2021.

Tại huyện Phú Ninh đoàn công tác đi thăm và kiểm tra tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Làm việc với lãnh đạo huyện Phù Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của huyện trong chỉ đạo, triển khai phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu huyện Phù Ninh cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ban hành Nghị quyết và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong chỉ đạo sản xuất cần phải bám sát vào chương trình, đề án đã ban hành; chú trọng xây dựng và phát triển các vùng hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Việc tổ chức sản xuất phải theo hướng chuỗi liên kết; khuyến khích, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, trọng tâm là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn sản phẩm nông, lâm sản thủy sản. Đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến đầu tư thương mại, tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm OCOP.

Liên quan đến việc phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lưu ý huyện trên cơ sở điều kiện thổ những, điều kiện khí hậu đất đai phải thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xác định các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao quy mô, năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Về chăn nuôi, ông gợi mở hướng phát triển chăn nuôi bò, cân nhắc việc mở rộng chăn nuôi lớn theo quy mô trang trại; tính toán về cơ cấu, phát triển nuôi trồng thủy sản. Huyện Phù Ninh phải xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp để vận động người dân phá bỏ rừng bạch đàn sang trồng keo và những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Việc phát triển hệ thống thủy lợi phải phù hợp với quy hoạch vùng trồng cây, tránh gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao các sở, ngành liên quan, nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh có ý kiến chỉ đạo cụ thể với việc cho phép huyện triển khai sớm dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh của huyện Phù Ninh, tạo thuận lợi cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hạ tầng giao thông; hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch nông thôn mới của xã, huyện giai đoạn 2021 - 2025; xem xét điều chỉnh quy mô Cụm công nghiệp Phú Gia; chuyển vị trí Khu công nghiệp Phù Ninh... cùng nhiều nội dung quan trọng khác. 

PV