Chính sách tài khóa: Linh hoạt trong ngắn hạn, kỷ luật trong dài hạn

15:15 24/10/2023

Trong thời gian tới, giai đoạn năm 2024-2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.

Đây là khẳng định của ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi trao đổi với báo chí về quan điểm điều hành chính sách tài khóa trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng cho biết, Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên chúng ta cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đột phá về thể chế là con đường ngắn nhất để phát triển nhanh và bền vững.

Chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.

Trong đó, Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế chính là điểm nhấn quan trọng. Thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển, gói hỗ trợ về tài khóa đóng vai trò then chốt. Chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách. Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng. Năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, ước tính gói hỗ trợ lên tới 347.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong 4 năm qua (2020-2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Năm 2023, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 700 tỷ đồng…

Đáng lưu ý, khi chính sách được ban hành, Bộ Tài chính vẫn liên tục rà soát, đánh giá và trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ kịp thời đề xuất để nối dài các chính sách hỗ trợ. Mới đây, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước. 

Cụ thể, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí...

Đột phá về thể chế - một trong những trụ cột để tạo đà phát triển

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, đột phá về thể chế là con đường ngắn nhất để phát triển nhanh và bền vững. Hoàn thiện thể chế là một trong những trụ cột để tạo đà phát triển. Do đó, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu, nỗ lực hoàn thiện thể chế để giúp doanh nghiệp cất cánh.

Để luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính liên tục rà soát các chính sách pháp luật, rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra "giấy phép con" làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu của ngành tài chính là bảo đảm chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Trong hoàn cảnh đặc biệt cần các chính sách đặc biệt", để ứng phó với các tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã phải cấp bách soạn thảo nhiều đề án, chương trình không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hoặc các thông tư phải ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn phải hoàn thiện trong thời gian ngắn. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, cùng nhiều khoản phí, lệ phí...

Thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế tài chính tiếp tục gắn với cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định: Các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát; góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Một thành công quan trọng nữa là nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững.

Dù đạt được nhiều thành công trong điều hành, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận "từ nay đến cuối năm sẽ còn rất nhiều khó khăn". Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu NSNN năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, do những khó khăn của kinh tế, việc hoàn thành dự toán thu vẫn là thách thức với ngân sách cả nước và ngân sách nhiều địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu lớn từ đất đai và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, thách thức trong chi ngân sách vẫn là chi đầu tư vẫn thấp hơn so với kế hoạch. Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa nhưng tiến độ giải ngân chậm. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế- xã hội vẫn chưa thể giải ngân, vẫn còn tình trạng "no dồn, đói góp" của chi đầu tư.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng: Trong hoàn cảnh đặc biệt, cần những chính sách đặc biệt, có thể dùng 1 luật để sửa nhiều luật, hóa giải những nút thắt.

Hiện nay, vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản; tiếp tục đẩy mạnh môi trường kinh doanh tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù nền kinh tế đã có bước phục hồi, nhưng xuất khẩu khó khăn, thị trường đang dần thu hẹp đang tạo ra áp lực không nhỏ với doanh nghiệp Việt. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt ra nước ngoài. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc của bộ, ngành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng.

Cần tiếp tục huy động nguồn vốn tín dụng và từ các nguồn lực khác hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh bên cạnh các giải pháp tài khóa. Đồng thời, giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư tư nhân, đất đai, công trình điện năng lượng tái tạo, công nghiệp…

Cần thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, bên cạnh việc triển khai các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Người đứng đầu ngành tài chính cho hay: Trong thời gian tới, giai đoạn năm 2024-2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. 

Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên chúng ta cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.

Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, để điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp. Theo đó, vừa bảo đảm giải quyết các khó khăn cho cho nền kinh tế, cũng bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước, trên tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro, khó khăn thì chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Anh Minh (ghi)